(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lợi nhuận ngân hàng năm nay được dự đoán tăng tốt và tiếp tục khả quan trong năm sau nhờ điểm sáng từ tăng trưởng tín dụng xuất khẩu, đầu tư công, cùng với đó là làn sóng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng.
11 mã cổ phiếu ngân hàng trên HOSE, HNX |
Năm 2020 sắp khép lại và những thông tin về tình hình kinh doanh của các ngân hàng hé lộ nhiều điểm sáng so với các ngành khác dù chịu tác động nặng của COVID-19.
Báo cáo của Trung tâm phân tích CTCK SSI cho hay 13 ngân hàng niêm yết trên HOSE, HNX, có tổng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2020 đạt 29,7 nghìn tỷ đồng (tăng 6,6% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, đáng chú ý là mức trích lập dự phòng khác biệt đáng kể giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), VCB và CTG có mức trích lập dự phòng tăng từ 35-39%, thì các ngân hàng TMCP lại giảm 10,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng 2020, lợi nhuận trước thuế của nhóm này đạt 86,2 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ). Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức tăng lợi nhuận trước thuế là 26,9% của cùng kỳ năm 2019, hoạt động của ngành vẫn vượt trội so với các ngành khác.
Trong 20 phiên giao dịch gần đây, trên HOSE và HNX có 11 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, mức tăng lớn nhất là TPB, tăng giá thêm 29,9% hiện giao dịch ở ngưỡng 27.150 đồng/cổ phiếu. Mức tăng thấp nhất là VCB, tăng thêm 4,12% giao dịch ở ngưỡng 97.600 đồng/cổ phiếu. Có 8 cổ phiếu ngân hàng có mức tăng giá trên 10% như TPB, TCB, VPB, MBB, STB, MBB, HDB, EIB, LPB.
Trên sàn Upcom, một số cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá trong vòng 20 phiên giao dịch gần đây, mức tăng từ 7 – 61,83%. Trong đó, KLB có mức tăng cao nhất, hiện đang giao dịch ở mức 21.200 đồng/cổ phiếu, SGB tăng thấp nhất, hiện đang giao dịch ở mức 13.900 đồng/cổ phiếu.
SI ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt từ 9 -10% so với đầu năm. Các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần đáo hạn. Biên lãi ròng của ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện trong những quý tới. Tuy nhiên, chi phí dự phòng có thể tăng nhanh trong quý IV/2020.
Nhóm nghiên cứu của SSI đánh giá triển vọng chung của ngành Ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch COVID-19. Các yếu tố hỗ trợ tích cực liên quan đến cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ hỗ trợ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong quý IV/2020.
Tương tự, Báo cáo Đầu tư 2021 của VNDIRECT cho rằng ngành Ngân hàng hồi phục tốt hơn so với kỳ vọng. VNDIRECT cho rằng có cơ sở để kỳ vọng tín dụng ngành sẽ phục hồi lên tới 13-14% trong năm 2021. Tin tức tích cực về vắc xin COVID-19 thúc đẩy hi vọng sự phục hồi kinh tế toàn cầu, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trở lại hoạt động. Kinh tế Việt Nam dần phục hồi và được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2021 để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do đó, các ngân hàng sẽ có thể thu được phần thu nhập lãi của các khoản cho vay tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để cải thiện thu nhập lãi, giúp tỷ lệ biên lãi ròng của các ngân hàng phục hồi trong năm 2021, dù ở các mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý yếu tố làm giảm ước tính về mức độ tăng trưởng của ngành Ngân hàng: việc trích lập dự phòng sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến ước tính lợi nhuận và rủi ro tín dụng sẽ vẫn tồn tại trong năm 2021 trở đi. Rủi ro giảm chính đối với ước tính bao gồm tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn ước tính, nền kinh tế phục hồi chậm hơn ước tính và dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế phục hồi tốt hơn ước tính, thì tăng trưởng của khối ngân hàng có thể vượt xa kỳ vọng.