Hoạt động ngân hàng

Lãi suất liên ngân hàng "lao dốc", Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ hút tiền về

Trần Thúy 11/03/2024 - 16:37

Nhà điều hành khởi động lại công cụ hút tiền về trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục "lao dốc" trong vài tuần qua.

Sau hơn 4 tháng tạm ngưng, ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo bán tín phiếu trở lại. Tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày và được NHNN chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất, xét thầu đơn giá. Hiện NHNN vẫn chưa công bố kết quả chào thầu tín phiếu.

screen-shot-2024-03-11-at-4.15.58-pm.png
Phiên giao dịch ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước thông báo bán tín phiếu trở lại.

Đáng chú ý, nhà điều hành khởi động lại công cụ hút tiền về trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục "lao dốc" trong vài tuần qua.

Trước đó, vào ngày 22/2, lãi suất liên ngân hàng đã đạt đỉnh do tính mùa vụ, qua đó tạo áp lực lên thanh khoản ngắn hạn và đẩy lãi suất qua đêm lên đến 3,7%/năm. Tuy nhiên, ngay sau đó, lãi suất đã có xu hướng hạ nhiệt dần về cuối tháng và quay trở lại mặt bằng thấp.

Lãi suất qua đêm đã giảm điểm nhanh chóng và hiện đang giao dịch tại mức 0,8%/năm, giảm 78% so với mức đỉnh. Lãi suất tại các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng trở xuống khác đồng thời giảm mạnh và hiện đang giao dịch trong khoảng 1,07%/năm - 2,06%/năm.

Như vậy, hiện tại riêng lãi suất VND qua đêm đã nằm thấp hơn nhiều so với lãi suất USD trên cùng thị trường (0,8%/năm so với 5,2%/năm). Điểm hoán đổi lãi suất trên thị trường này nếu để VND quá thấp so với USD sẽ gây bất lợi cho tỷ giá.

Một phản ứng thông thường, khi lãi suất VND nằm rất sâu so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng có thể găm giữ hoặc đẩy mạnh mua USD để cho vay có lãi suất cao hơn nhiều so với cho vay bằng VND. Phản ứng này góp phần làm mất cân đối cung - cầu ngoại tệ và làm căng thẳng tỷ giá.

Thực tế cũng cho thấy, tỷ giá trong nước duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 11/2023 và đặc biệt tăng nóng kể từ ngày 14/2. Tỷ giá liên ngân hàng đã tạo mức đỉnh lịch sử mới và hiện đang giao dịch tại 24.640 VND/USD, tăng khoảng 1,6% kể từ đầu năm. Tỷ giá tại thị trường tự do và tỷ giá trung tâm đang giao dịch lần lượt ở mức 25.380 VND/USD và 23.966 VND/USD, lần lượt tăng 2,4% và 0,5% kể từ đầu năm.

Trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định, tỷ giá trong nước đang chịu nhiều sức ép khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy dấu hiệu sẽ không hạ lãi suất sớm khiến cho việc chênh lệch lãi suất giữa USD-VND sẽ bị kéo dài.

Song song, xuất nhập khẩu cải thiện khiến nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu tư liệu sản xuất bật tăng góp phần tạo áp lực lên giá USD trong nước. Ngoài ra, trong vài năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50 - 60 tấn vàng nguyên liệu/năm, gấp hơn 20 lần tổng lượng vàng khai thác trong nước. Việc nhập khẩu vàng để phục vụ nhu cầu trong nước và việc găm giữ USD khi đồng USD liên tục biến động tại thị trường trong nước lẫn thế giới đã tác động đến cung cầu trên thị trường và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Trong bối cảnh trên, động thái can thiệp của NHNN được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Đối với lãi suất thị trường, quan sát cho thấy xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất của đa số các ngân hàng vẫn tiếp tục được duy trì. Nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn chưa cho thấy động thái điều chỉnh lãi suất mới và mức lãi suất bình quân hiện vẫn đang là 4,7% cho kỳ hạn 12 tháng, một số ngân hàng tư nhân thậm chí còn đưa lãi suất về thấp hơn đáng kể so với nhóm ngân hàng quốc doanh.

Tuy nhiên, một số ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn dưới 5 tháng ở nhóm ngân hàng cổ phần, phổ biến từ 2,5- 3,8%/năm, nhằm thu hút thêm tiền gửi sau dịp Tết nguyên đán. Riêng với tiền gửi 12 tháng, vẫn dao động trên dưới 5%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất liên ngân hàng "lao dốc", Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ hút tiền về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO