Vấn đề - Nhận định

Lãi suất xuống thấp nhưng tiền vẫn chưa “rẻ”

Uyên Tô 06/03/2024 10:27

Môi trường lãi suất thấp là một trong những yếu tố chính hỗ trợ dòng tiền tích cực chảy vào thị trường chứng khoán từ cuối năm 2023, kéo dài cho đến đầu năm nay. Mặt khác, dù lãi suất đã xuống thấp nhưng thời, điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn tiền rẻ.

Nền lãi suất thấp hỗ trợ xu hướng tăng trên thị trường chứng khoán

Tiếp nối xu hướng tích cực trong 2 tháng cuối năm 2023, thị trường chứng khoán diễn biến sôi động ngay từ đầu năm 2024. Chỉ số VN-Index đã có chuỗi bốn tháng tăng điểm liên tiếp với mức sinh lời lũy kế là 21,7% kể từ tháng tăng điểm đầu tiên (tháng 11/2024) và có mức cao thứ 7 trên tổng số 9 chuỗi tăng điểm mạnh kể từ năm 2009.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.252,73 điểm, tăng 7,59% so với cuối tháng 1/2024 và tăng 10,87% so với cuối năm 2023.

Thanh khoản thị trường trong tháng 2/2024 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng, thể hiện ở khối lượng giao dịch bình quân đạt 841,5 triệu cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 20.670 tỷ đồng/ngày, tăng lần lượt 15,9% về khối lượng và 25,1% về giá trị so với tháng 1/2024.

Lý giải cho xu hướng trên, tại tọa đàm với chủ đề “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích lũy - Bứt tốc”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VPBankS cho biết, sự phục hồi của thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 đến từ cả yếu tố bên ngoài lẫn yếu tố nội tại.

Ở phương diện thị trường chứng khoán quốc tế, chỉ số S&P 500 lên mức đỉnh cao thời đại, đồng thời xu hướng này cũng lan tỏa trong toàn cầu tại thị trường Nhật Bản, châu Âu. Thị trường đặt kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất vào năm 2024.

Tại thị trường trong nước, tác động quan trọng đến từ việc Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới lỏng sớm so với các NHTW toàn cầu. Động thái này diễn ra từ tháng 4/2023 và qua 4 lần hạ lãi suất, đã có dịch chuyển vốn đầu tư lớn. Dòng tiền dịch chuyển phân bổ vào những kênh tài sản có giá trị tăng, qua đó thị trường chứng khoán đã có giai đoạn tăng trưởng từ tháng 4/2023 đến nửa cuối tháng 9/2023.

“Đến thời gian gần đây, lãi suất vẫn đang trong xu hướng thấp, đặc biệt tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh tác động đến phục hồi kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng”, ông Sơn phân tích.

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích Cổ phiếu – Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu Tư – Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành giúp dòng tiền chảy vào chứng khoán tích cục hơn kể từ quý III năm ngoái.

Đồng quan điểm, ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán DNSE, nhấn mạnh, dù năm 2024 áp lực lên lạm phát là có nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái rất tích cực ngay từ đầu năm như cung cấp định mức tín dụng 15% ngay từ đầu năm cho các ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế năm 2024, từ đó tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, ông Sơn phân tích thêm, động lực nữa hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường là quyết tâm nâng hạng của Chính phủ được thể hiện quyết liệt trong nửa cuối năm 2023 đến năm 2024, từ chỉ đạo của Chính phủ, sự quyết liệt của các bộ, ngành, cho nhà đầu tư thêm niềm tin vào thị trường chứng khoán và khả năng nâng hạng.

“Câu chuyện nâng hạng diễn ra tại nhiều quốc gia, khi nâng hạng thành công, chỉ số chứng khoán tăng 30-50% trong 2 năm kể từ khi nâng hạng. Niềm tin quay trở lại, cộng với kỳ vọng hệ thống KRX sớm đưa vào vận hành, câu chuyện nâng hạng sẽ tác động tích cực đến thị trường trong nước”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy sự khởi sắc. Theo SSI Research, tính đến quý III/2023, hầu hết lợi nhuận các ngành, các doanh nghiệp đã tạo đáy và trên đà phục hồi. Điều này đã củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư.

Ông Hòa lưu ý thêm, nền tảng kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có sự phục hồi rõ nét từ tất cả các cấu phần chính của nền kinh tế, ví dụ từ cấu phần sản xuất công nghiệp, khu vực sản xuất cho tới nhóm FDI và xuất nhập khẩu….

Vẫn chưa đến thời “tiền rẻ”

Trong giai đoạn hiện tại, lãi suất huy động đang tiếp tục ở mức thấp, các chuyên gia cho rằng, đây là chính sách đúng đắn để hạ thấp chi phí vốn của nền kinh tế xuống.

Tuy nhiên, liệu đây đã phải là giai đoạn tiền rẻ hay chưa? trả lời câu hỏi này, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, đây chưa phải là giai đoạn tiền rẻ.

Chuyên gia này phân tích thêm, so với năm 2019, giai đoạn hiện tại mặt bằng lãi suất điều hành đang thấp hơn nhưng thực tế lãi suất cho vay cũ chưa giảm tương ứng so với mặt bằng lãi suất huy động, vẫn có độ “vênh” lớn. Khả năng tiếp cận được vốn tín dụng giá rẻ chưa được tích cực như chu kỳ tiền rẻ giai đoạn năm 2019 và giai đoạn COVID-19. Vì vậy, lãi suất huy động tiếp tục đi xuống là yếu tố tích cực để tạo sự xoay chuyển dòng vốn từ nơi hiệu quả thấp sang nơi hiệu quả cao hơn. Thị trường vẫn đón dòng tiền này.

Ông Sơn lưu ý, cần phải chờ đợi thêm những yếu tố khác như thời điểmFED bắt đầu đầu hạ lãi suất. Đối với Việt Nam, ông Sơn cho rằng, khó hạ lãi suất điều hành thêm nữa, nếu hạ thêm lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất xuống thấp nhưng tiền vẫn chưa “rẻ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO