Chủ Nhật, 11/5/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét, quyết định việc hỗ trợ 5.000 tỷ đồng vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank). Dự kiến tại chương trình Phiên họp thứ 44 vào ngày 22/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về vấn đề này.
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc hỗ trợ 5.000 tỷ đồng vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính cho Co-opBank và đưa vào Nghị quyết chung kỳ họp của Quốc hội.
Co-opBank tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương được thành lập theo Quyết định 162/QĐ-NH5 của Thống đốc NHNN ngày 8/6/1995, với mục tiêu chủ yếu là liên kết, bảo đảm an toàn hệ thống QTDND. Hiện mạng lưới hoạt động của Co-opBank gồm Trụ sở chính, 32 Chi nhánh và 66 Phòng giao dịch với gần 1.200 QTDND, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống của gần 2 triệu thành viên tại 57/63 tỉnh, thành trên cả nước.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Co-opBank đạt gần 62 nghìn tỷ đồng, tăng 523 lần so với năm 1995; huy động vốn đạt hơn 55 nghìn tỷ đồng, tăng 4.746 lần so với năm 1995; dư nợ cho vay đạt gần 37 nghìn tỷ đồng, tăng 567 lần so với năm 1995.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Co-opBank vào ngày 19/4 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Co-opBank cho hay, với vai trò là ngân hàng của các QTDND, Co-opBank đã luôn hỗ trợ tích cực cho hoạt động của hệ thống QTDND, tập trung điều hòa vốn, hỗ trợ thanh khoản; thực hiện kiểm tra, kiểm toán nội bộ, giám sát, tham gia tái cơ cấu QTDND theo chỉ đạo của NHNN, thực hiện các hoạt động ngân hàng nhằm hỗ trợ QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả.
Với sự hỗ trợ toàn diện của Co-opBank, hệ thống QTDND đã có sự phát triển vượt bậc. Từ năm 2015 đến nay, tổng tài sản của hệ thống QTDND là hơn 192 nghìn tỷ đồng, tăng 429 lần; vốn điều lệ 7.856 tỷ đồng, tăng 755 lần; vốn huy động hơn 170 nghìn tỷ đồng, tăng 626 lần; dư nợ cho vay hơn 139 nghìn tỷ đồng, tăng 362 lần; nợ xấu dưới 1%, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước.
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Co-opBank, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn đã chỉ đạo sớm đưa Co-opBank trở thành một định chế tài chính đa năng, hiện đại, hoàn thành xuất sắc vai trò trung tâm liên kết hệ thống, làm điểm tựa vững chắc hỗ trợ tích cực cho hệ thống QTDND phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đúng tôn chỉ, mục đích của loại hình TCTD hợp tác.
Có vai trò hết sức quan trọng trong hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, hỗ trợ QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ, năng lực tài chính của Co-opBank không theo kịp tốc độ tăng trưởng cũng như nhu cầu hỗ trợ của các QTDND thành viên.
Hiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Co-opBank còn thấp so với bình quân chung của ngành Ngân hàng, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu vốn cần có để thực hiện các mục tiêu, chức trách, nhiệm vụ được Nhà nước giao. Đến nay, Co-opBank chưa có khả năng thực hiện CAR theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN20 mà đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN21 (CAR tối thiểu là 9%). Đến ngày 31/3/2025, CAR của Co-opBank là 10,3%, giảm 1,8% so với cuối năm 2024.
Để đảm bảo mục tiêu CAR đạt 13,5% vào năm 2026 thì mức vốn tự có tại thời điểm ngày 31/12/2026 là 9.419 tỷ đồng (tương ứng với quy mô tài sản có rủi ro dự kiến là 69.768 tỷ đồng). Mức vốn tự có của Co-opBank tại ngày 31/12/2026 (trong trường hợp không được tăng vốn điều lệ) là 4.416 tỷ đồng.
Co-opBank xác định số vốn tự có thiếu hụt là 5.000 tỷ đồng. Co-opBank đề xuất được Nhà nước hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ nhằm bù đắp số vốn tự có thiếu hụt nêu trên.
Căn cứ các quy định thì Co-opBank thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ vốn để tăng vốn điều lệ, nguồn vốn thực hiện từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương hàng năm. Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc hỗ trợ 5.000 tỷ đồng vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính cho Co-opBank và đưa vào Nghị quyết chung kỳ họp của Quốc hội.
Theo chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề xuất này của Chính phủ vào sáng ngày 22/4, sau khi cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.