Nghiên cứu - Trao đổi

Làm đường sắt tốc độ cao: Cần cái "bắt tay" của doanh nghiệp Việt trước cơ hội lớn

Hoàng Hà 19/11/2024 - 16:21

Theo các chuyên gia và lãnh đạo nhà thầu trong nước, trước cơ hội thị trường xây lắp vô cùng lớn từ dự án đường sắt tốc độ cao, các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt tay nhau, chỉ có hợp tác là cơ hội duy nhất để tham gia sâu vào dự án và không thua ngay trên chính sân nhà.

duong-sat.jpg
Ảnh minh họa

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với chiều dài 1.541 km, tổng mức đầu tư lên tới hơn 67 tỷ USD được kỳ vọng sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng trong nước khi đề xuất chọn các nhà thầu nội địa đang được ưu tiên.

Theo tính toán, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD.

Đón đầu cơ hội này, nhiều nhà thầu lớn trong nước đã bắt đầu chuẩn bị các nguồn lực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết trước khi các doanh nghiệp nội có thể tham gia thực hiện "siêu dự án" này.

Không hợp tác sẽ khó thắng thầu

Tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt” do Báo Giao thông tổ chức sáng ngày 19/11, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, trong dự án đường sắt tốc độ cao, khối lượng xây lắp chiếm đến hơn 33 tỷ USD. Tại Việt Nam chưa bao giờ thực hiện dự án nào có vốn và quy mô lớn như vậy. Cho nên, đây có thể là cơ hội "thay da đổi thịt" đối với các nhà thầu xây dựng.

"Nếu như đánh giá hệ thống đường sắt tốc độ cao vẫn là cầu hầm, vẫn là cầu dây văng thì thời gian qua, các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình trên", ông Hiệp nói.

Tuy nhiên, theo ông với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ 350km/h, độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan. Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.

Ông Hiệp khẳng định với năng lực, trình độ các của các doanh nghiệp Việt hiện nay hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công. Vấn đề cần quan tâm chỉ là nguồn nhân lực lao động.

TS.Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, với những chuyển biến lớn về năng lực và công nghệ thi công của các nhà thấu trong nước những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt có đủ khả năng tham gia dự án đường sắt tốc độ cao.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh, hiện nay, tính liên kết và hợp tác để phát triển của các doanh nghiệp Việt rất yếu.

"Năm 2014, chúng tôi đã mời các doanh nghiệp làm việc với Samsung xem ta cung ứng được gì, nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp đạt được trong chuỗi cung ứng vật tư cho Samsung, còn lại tất cả không làm", ông Kiên nói và lưu ý nếu các doanh nghiệp không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu thì tới lúc gói thầu mở ra sẽ rất khó thắng.

Ông Phan Phú, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, hiện nay sự hợp tác giữa các doanh nghiệp giao thông trong nước là điều rất đáng trăn trở.

"Chúng tôi mong rằng, đứng trước cơ hội thị trường xây lắp vô cùng lớn từ dự án đường sắt tốc độ cao, các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt tay nhau thay vì triệt tiêu. Chỉ có hợp tác là cơ hội duy nhất để tham gia sâu vào dự án", ông Phú nói.

Giải quyết bài toán nguồn nhân lực

Bên cạnh vấn đề về tính liên kết và hợp tác của các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Đức Kiên bài toán về nguồn nhân lực cũng đang đặt ra thách thức lớn.

Ông kỳ vọng với sự tham gia đào tạo các ngành học mới của Đại học Giao thông vận tải thì 5 năm tới khi làm xây lắp, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhân lực mới, tiếp cận những công nghệ mới.

Trong khi đó, ông Phan Phú nhấn mạnh: "Đối với thiết bị công nghệ, các doanh nghiệp có thể dùng vốn đầu tư ngay nhưng nhân lực thì không thể ngày một ngày hai. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà".

Chung nhận định, ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) cho rằng đối với nguồn lực, Việt Nam đang xuất khẩu lao động rất lớn, tại sao không nhập khẩu lao động, tạo các liên danh với nước ngoài.

Ông Phương nêu thực tế, để đào tạo kỹ sư đại học cần tới 4 - 5 năm, thêm 3 năm thực hành tại hiện trường, tức là cần tới 7 - 8 năm để đào tạo một kỹ sư, còn chưa tính đến việc họ có đáp ứng được công việc hay không. Trong khi đó chỉ còn 2 năm tới là dự án đã bắt đầu khởi công.

Cho nên, ông đề xuất bên cạnh việc đào tạo dành cho chiến lược dài hơi trong 5 năm tới thì cần tìm giải pháp thông qua nhập khẩu lao động, nhập khẩu kỹ sư.

ng Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Công trình đường sắt

Ngoài ra, về vấn đề pháp lý, theo ông Phương cần tham khảo quy trình pháp lý để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao của các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản. Các doanh nghiệp khi tìm hiểu được cần chia sẻ thông tin với nhau, từ đó hình thành liên danh giữa các nhà thầu Việt.

"Tôi cho rằng, bước ban đầu để thực hiện dự án này là tập hợp thông tin chứ không phải tập hợp lực lượng. Tất cả các đơn vị thi công cần xác định hội nhập quốc tế ngay trong lãnh thổ Việt Nam bằng cách mời, thuê chuyên gia", ông Phương nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo RCC nhấn mạnh các doanh nghiệp cần nghiên cứu và phân chia công việc theo thế mạnh từng đơn vị, và suy nghĩ về cách tiếp cận vấn đề chứ không phải thể hiện năng lực thi công.

"Chúng ta có giỏi mấy, có nhiều tiền mấy với các doanh nghiệp Việt khi tiếp cận dự án 33 tỷ USD thì phần đối ứng cũng rất nhỏ bé. Như vậy, không thể nói ai hơn ai trong dự án này mà phải hiểu tất cả đều cùng xuất phát điểm ở một vạch đích", ông Phương nói và nhấn mạnh dự án đường sắt tốc độ cao là dự án của sự lựa chọn chứ không phải sự nỗ lực, lựa chọn đúng về mặt kỹ thuật, giải pháp.

Về phía RCC, ông Phương thông tin, trong thi công cầu đường sắt, doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiến tới sẽ tập trung học hỏi về lĩnh vực này để làm tốt hạng mục RCC có thể tham gia chứ không có tham vọng tham gia toàn tuyến. Ông cho rằng các nhà thầu nội cũng nên tập trung vào thế mạnh của mình để đầu tư chuẩn bị, đi tắt đón đầu và tạo nên sự đồng nhất, đồng bộ giữa các nhà thầu tham gia, công tác chuẩn bị cũng như doanh nghiệp phụ trợ.

Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, theo tính toán để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng và một số chuyên ngành đặc thù, 13.800 nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn. Đây là số nhân lực vô cùng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm đường sắt tốc độ cao: Cần cái "bắt tay" của doanh nghiệp Việt trước cơ hội lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO