Thứ Bảy, 29/3/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chỉ số lạm phát ưa thích của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) – chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cho thấy giá cả trong tháng 2 tăng cao hơn dự kiến, làm gia tăng trở lại cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương vào thời điểm mà họ ước báo mức thuế quan mới từ chính quyền tổng thống Donald Trump sẽ đẩy giá lên cao hơn.
Chỉ số mới khiến các quan chức có nhiều khả năng giữ lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian dài hơn khi các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm dấu hiệu cho thấy các chính sách của Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào trong những tháng tới.
Ellen Zentner, chiến lược gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley Wealth Management cho biết: "Có vẻ như quan điểm 'chờ đợi và xem xét' của FED vẫn còn nhiều việc phải làm".
"Số liệu lạm phát tháng 2 cao hơn dự kiến không phải là quá nóng, nhưng sẽ không làm đẩy nhanh tiến độ cắt giảm lãi suất của FED, đặc biệt là khi xét đến sự không chắc chắn xung quanh chính sách thuế quan".
Chủ tịch FED Jerome Powell đã nói rằng "kịch bản cơ bản" của ông là bất kỳ sự gia tăng lạm phát nào từ thuế quan của Tổng thống Trump sẽ chỉ là "tạm thời". Nhưng một số đồng nghiệp của ông lo ngại rằng những tác động có thể dai dẳng hơn, làm tăng thêm sự không chắc chắn sắp tới đối với ngân hàng trung ương.
Mục tiêu của FED là đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, nhưng số liệu chính được công bố vào cuối tuần này vẫn cao hơn nhiều so với mức đó. Chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) "cốt lõi", không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này cao hơn ước tính 2,7% của các nhà kinh tế, tăng so với mức 2,6% của tháng 1. Chỉ số này so với tháng trước cũng cao hơn, đạt 0,4% và cao hơn mức 0,3% dự kiến .
Lạm phát hiện ở mức mà FED đã dự đoán sẽ đạt được vào cuối năm — và đó là trước khi một số kế hoạch áp thuế quan mạnh mẽ nhất của Tổng thống Trump có hiệu lực. Kế hoạch công bố một loạt các mức thuế "có đi có lại" theo từng quốc gia dự kiến sẽ được thông báo vào tuần tới.
Các quan chức FED đã nâng dự báo lạm phát năm 2025 tại cuộc họp tuần trước, từ 2,5% lên 2,8%, phần lớn là do sự không chắc chắn xung quanh các mức thuế quan mới. Họ cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm.
Nhưng báo cáo lạm phát của tháng 2 hiện cho thấy ngay cả dự báo lạm phát đã sửa đổi của FED cũng có thể tỏ ra quá dè dặt.
Có phải chỉ là tác động 'tạm thời'?
Các nhà giao dịch vẫn đang định giá lãi suất cắt giảm vào tháng 6 với khả năng cắt giảm thêm một lần nữa vào mùa thu. Và dự đoán cắt giảm hai lần từ Phố Wall vẫn khớp với ước tính của các quan chức FED tại cuộc họp tuần trước, khi FED quyết định giữ nguyên lãi suất.
Tuy nhiên, một số người quan sát FED cho rằng những dự đoán cắt giảm lãi suất này cũng có thể bị thách thức.
Stephen Brown, Phó Giám đốc kinh tế Bắc Mỹ của Capital Economics, cho biết chỉ số PCE mới "củng cố quan điểm của chúng tôi rằng FED khó có thể cắt giảm lãi suất trong năm nay".
Câu hỏi quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách của FED là họ kỳ vọng lạm phát bổ sung sẽ là tác động một lần và chỉ là tạm thời.
Trong khi Chủ tịch Powell lập luận ủng hộ tác động "tạm thời" tiềm ẩn, một số đồng nghiệp của ông đã đưa ra nhiều cảnh báo thận trọng hơn.
Chủ tịch FED khu vực Boston Susan Collins khi phát biểu tại Boston ngày 27/3 cho rằng bà tin "thuế quan chắc chắn sẽ làm tăng lạm phát trong thời gian tới" và bà hy vọng lạm phát tăng có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Nhưng bà nói thêm rằng "có những rủi ro xung quanh điều đó và tùy thuộc vào diễn biến của nó mà lạm phát có thể dai dẳng hơn".
Bà Collins nhấn mạnh rằng nếu có thêm các đợt thuế quan mới, phạm vi ảnh hưởng sẽ rộng hơn hoặc nếu có nhiều mức trả đũa khác nhau, thì lạm phát có thể dai dẳng hơn là việc chỉ là sự điều chỉnh tương đối nhanh sang mức giá cao hơn.
Trong bối cảnh đó, bà cho biết sẽ cần xem xét kỹ hơn kỳ vọng lạm phát vì neo giữ kỳ vọng là điều quan trọng để FED có thể đưa lạm phát trở lại mức đáng tin cậy.
Chủ tịch FED khu vực St. Louis Alberto Musalem cũng cho biết trong tuần này rằng ông "cảnh giác khi cho rằng tác động của việc tăng thuế quan đối với lạm phát sẽ hoàn toàn là tạm thời hoặc một chiến lược 'xem xét kỹ lưỡng' đầy đủ sẽ nhất thiết là phù hợp".
Ông lưu ý rằng thuế quan có thể tạo ra mức tăng giá một lần, nhưng cái gọi là "tác động gián tiếp" khi các nhà sản xuất trong nước tăng giá khi các nhà nhập khẩu tăng giá có thể khiến lạm phát kéo dài hơn.
Ông Musalem đưa ra ví dụ về bia từ Canada. Nếu bia phải chịu mức thuế 25%, người tiêu dùng Mỹ có thể chuyển từ bia Canada sang bia Budweiser do Mỹ sản xuất, và sau đó Budweiser có thể tăng giá khi mọi người tìm kiếm hàng hóa sản xuất tại địa phương.
"Việc phân biệt, đặc biệt là theo thời gian thực, giữa các tác động trực tiếp, gián tiếp và tác động vòng hai là sự không chắc chắn đáng kể", ông nói thêm.