Hôm nay, ngày 3/7/2024, các loại tiền giấy mệnh giá 10.000 Yên (62 USD), 5.000 Yên và 1.000 Yên mới trị giá 1,6 nghìn tỷ Yên (tương đương 9,9 tỷ USD), có công nghệ chống giả tiên tiến đã được đưa vào lưu hành tại Nhật Bản. Đây là lần thay đổi thiết kế đầu tiên sau 2 thập kỷ khi quốc gia yêu thích tiền mặt này đang dần chuyển sang trạng thái không dùng tiền mặt.
Lô tiền giấy mới đầu tiên, có hình ba chiều của các nhân vật lịch sử, đã được vận chuyển từ trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bằng xe tải đến các tổ chức tài chính và một số người tiêu dùng có thể nhận được trong hôm nay tại các ngân hàng và máy rút tiền tự động. Các tờ tiền với thiết kế trước đây sẽ vẫn có hiệu lực.
Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), ông Kazuo Ueda nhấn mạnh tầm quan trọng của tiền giấy như một “phương thức thanh toán quan trọng” ngay cả trong thời đại thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng.
Tại Fukaya thuộc tỉnh Saitama, gần Tokyo, một sự kiện đếm ngược đã bắt đầu vào cuối ngày thứ Ba để kỷ niệm sự ra mắt của tờ 10.000 Yên mới có hình ông Eiichi Shibusawa (1840-1931), được mệnh danh là "cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản", người sinh ra ở thành phố này của Nhật Bản.
Tại một chi nhánh ngân hàng thương mại trong thành phố, nhiều người xếp hàng để đổi tờ 10.000 Yên cũ lấy tờ giấy bạc mới.
Nhà giáo dục Umeko Tsuda (1864-1929), người nỗ lực nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, xuất hiện trên tờ 5.000 Yên, trong khi tờ 1.000 Yên có in hình nhà vi trùng học Shibasaburo Kitasato (1853-1931), được mệnh danh là "cha đẻ của y học hiện đại Nhật Bản".
Các tờ tiền mới in số mệnh giá lớn hơn các tờ tiền trước để hỗ trợ nhận dạng và có đánh dấu xúc giác cho người khiếm thị.
Tòa nhà gạch đỏ của ga Tokyo được mô tả ở mặt sau của tờ 10.000 Yên. Hoa tử đằng, được yêu mến ở Nhật Bản từ thời xa xưa, xuất hiện trên tờ 5.000 Yên, và "The Great Wave off Kanagawa", một tác phẩm của nghệ sĩ ukiyo-e Katsushika Hokusai mô tả những con sóng lớn và Núi Phú Sĩ, xuất hiện trên tờ 1.000 Yên.
"Đó là một bức tranh nổi tiếng và rất đẹp. Tôi muốn có nó và mang về nhà làm kỷ niệm", Julia Karssen, một du khách đến từ Hà Lan, nói sau khi đến thăm Bảo tàng Sumida Hokusai ở Tokyo.
Sinh viên 25 tuổi cho biết cô “không bao giờ” sử dụng tiền mặt ở quê nhà. Tuy nhiên, trong thời gian ở Nhật Bản, cô đã thanh toán bằng tiền mặt ở các vùng nông thôn.
Một du khách khác, Catherine Long đến từ Trung Quốc, cho biết cô hy vọng được nhìn thấy những tờ tiền mới trước khi chuyến đi kéo dài một tuần của mình kết thúc. Cô gái 29 tuổi cho biết cô hiếm khi sử dụng tiền mặt ở nước mình song lại chuẩn bị tiền mặt để "dự phòng" cho chuyến thăm Nhật Bản cùng mẹ.
Theo dữ liệu của ngành, Nhật Bản đi sau các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Anh và Mỹ trong việc phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt.
Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng trong những năm gần đây, một phần do đại dịch COVID-19, song tính đến năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chiếm chưa đến một nửa tổng giá trị, chưa đạt được mục tiêu khoảng 40% của chính phủ vào năm 2023. Một số nhà phân tích cho rằng các tờ tiền mới này có thể trở thành những tờ tiền cuối cùng được lưu hành rộng rãi nếu xu hướng không dùng tiền mặt của Chính phủ tăng cường và Nhật Bản quyết định phát hành đồng Yên kỹ thuật số.
Kế hoạch thiết kế lại tiền giấy của Chính phủ đã được công bố vào năm 2019, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Hầu hết các máy ATM và máy bán vé các phương tiện giao thông công cộng đều sẵn sàng xử lý các tờ tiền mới, mặc dù nhiều máy bán hàng tự động thì chưa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ vẫn nêu khó khăn trong việc phải chịu chi phí cao hơn để cập nhật thiết bị của mình.
Thông tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, đến cuối tháng 3 năm sau, gần 7,5 tỷ tờ tiền mới sẽ được in. Tiền giấy hiện tại sẽ vẫn có hiệu lực song song.
Dữ liệu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho thấy, tại Nhật Bản, 18,54 tỷ tờ tiền giấy đã được lưu hành vào cuối năm 2023. Nếu xếp chúng theo chiều ngang, sẽ tương đương với 8 lần khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng.