Chứng khoán

Lao dốc gần 200 điểm chỉ trong vòng 2 tháng, VN-Index không còn nhiều áp lực giảm giá

Q.L 30/10/2023 - 09:35

VN-Index đã giảm gần 200 điểm trong vòng 2 tháng, tương đương nhiều cổ phiếu có mức chiết khấu 20- 40% so với mức giá tại vùng đỉnh trung hạn. Định giá P/E thị trường đã về mức dưới 13 lần, tương đối thấp nếu so với mức bình quân 5 năm gần nhất là khoảng 15 lần.

Thị trường tuần qua ghi nhận tuần giảm điểm mạnh thứ hai tính từ đầu năm, chủ yếu do phiên ngày 26/10 với mức thanh khoản tăng mạnh khi tâm lý của nhà đầu tư xoay quanh vấn đề trái phiếu chuyển đổi VHM khiến nhóm VIC – VHM - VRE giảm sàn và hiệu ứng lan rộng sang các cổ phiếu khác. Phiên cuối tuần tuy ghi nhận mức bật tăng mạnh vào cuối phiên giúp VN-Index giữ được mốc 1.060 dù phần lớn phiên giao dịch diễn biến trong sắc đỏ với áp lực bán tương đối. Với 3/5 phiên giảm điểm, VN-Index ghi nhận mức giảm 47,4 điểm, giảm 4.28% so với kết tuần trước đó.

hkascka.jpg

Về thanh khoản, thị trường ghi nhận 3/5 phiên giao dịch có khối lượng giao dịch dưới mức trung bình 20 ngày. Tổng khối lượng giao dịch tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước và vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần. Bình quân giá trị giao dịch tuần qua đạt 14.100 tỷ đồng/phiên, giảm 10,3% so với tuần trước.

Về dòng tiền dòng tiền tuần qua ghi nhận mức mua ròng mạnh đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước (ngược lại với diễn biến tuần trước) và là nhóm duy nhất mua ròng cân dòng tiền bán ròng của 3 nhóm nhà đầu tư còn lại.

Nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước đã quay sang bán ròng sau 3 tuần mua ròng liên tiếp. Đồng thời, nhóm nhà đầu tư nước ngoài và nhóm tự doanh chuyển sang bán ròng sau khi vừa mới trở lại mua ròng ở tuần trước đó. Giá trị bán ròng của tuần qua đạt 2.433,1 tỷ đồng, đóng góp cho mức giảm của thị trường.

hsacak.jpg

Các nhóm ngành hầu hết đều giảm điểm mạnh trong tuần qua. Ngành duy nhất tăng điểm nhẹ trong tuần qua là nhóm ngân hàng (+0,3%). Các ngành giảm điểm ít hơn chỉ số bao gồm bảo hiểm (-3,1%), vật liệu xây dựng (-3,3%), dịch vụ tiện ích (-3,8%) và thép (-3,9%). Các ngành giảm điểm mạnh hơn chỉ số bao gồm phân bón (-12,3%), thực phẩm (-11,3%), đồ uống (-7,1%), chăm sóc sức khoẻ (-7,0%)...

Nhận định thị trường, MBS Research cho rằng, nhịp giảm mạnh trên 4% ở 2 tuần liên tiếp đã khiến chỉ số VN-Index đánh mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, do vậy các nhịp nảy hoặc hồi phục sắp tới thường chỉ mang tính kỹ thuật. Ở ngưỡng thấp nhất trong phiên cuối tuần vừa qua, thị trường đã chạm vùng tích lũy hồi tháng 3 và tháng 4, do vậy trong kịch bản tích cực, vùng cân bằng của thị trường có thể ở khu vực 1.020 – 1.030 điểm, thậm chí ngưỡng tâm lý 1.000 điểm có thể được nhắc tới.

“Với trạng thái quá bán ở nhiều cổ phiếu hiện tại, có thể xuất hiện các phiên nảy kỹ thuật, một số nhóm cổ phiếu có mức chiết khấu mạnh kể từ đỉnh như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, thép, đầu tư công, sản xuất điện, thủy sản,... sẽ là địa chỉ của dòng tiền quay lại bắt đáy”, chuyên gia MBS cho biết.

Agriseco Research cũng cho rằng, chưa có nhiều tín hiệu để khẳng định VN-Index sẽ tạo đáy ngắn hạn ngay. Tuy nhiên, thị trường đã giảm gần 200 điểm trong vòng 2 tháng, tương đương nhiều cổ phiếu có mức chiết khấu 20- 40% so với mức giá tại vùng đỉnh trung hạn. Định giá P/E thị trường đã về mức dưới 13 lần, tương đối thấp nếu so với mức bình quân 5 năm gần nhất là khoảng 15 lần. Chuyên gia của Agriseco nhận định, đây có thể là vùng điểm tương đối an toàn và áp lực giảm sẽ không còn quá nhiều.

“Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ nhóm VN30, các cổ phiếu bluechip. Lưu ý sắp tới sẽ có nhiều sự kiện ảnh hưởng thị trường chứng khoán như dữ liệu tình hình kinh tế xã hội tháng 10 của Việt Nam, EU công bố GDP và kết quả của cuộc họp định kỳ tháng 11 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)”, chuyên gia cho biết.

akcbnc.jpg

Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm sang tuần thứ hai liên tiếp và nhiều khả năng sẽ khép lại tháng 10 trong sắc đỏ, khiến một số thị trường có thể mất sạch đà tăng của năm nay khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh vì nỗi lo lãi suất cao kéo dài, bên cạnh căng thẳng địa chính trị luôn thường trực. Phần lớn các nhà kinh tế được Reuters khảo sát đều cho rằng lạm phát cao sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới vào năm tới và lãi suất cũng sẽ cao hơn cũng sẽ duy trì trong thời gian dài hơn.

Cũng trong ngày cuối tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 4,9% trong quý III, cao hơn dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng với môi trường lãi suất cao như hiện nay, kinh tế Mỹ tất yếu sẽ giảm tốc trong thời gian tới.

Phản ánh mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm lại vượt mốc nhạy cảm 5% trong tuần qua, trước khi kết thúc tuần ở mức 4,85%.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) ngược dòng chứng khoán thế giới trong tuần vừa qua với mức tăng lần lượt 1,16% và 1,33%. Tuy vậy, hai chỉ số chính Shanghai Composite và Hang Seng Index vẫn đang thấp hơn so với thời điểm đầu năm 2,31% và 12%.

Chứng khoán Trung Quốc trải qua một năm cực kỳ bấp bênh và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng không thể ngăn cản đà giảm của thị trường. Khủng hoảng bất động sản và triển vọng kinh tế ảm đạm đã khiến giới đầu tư e ngại đối với các loại tài sản tại đất nước tỷ dân.

Ở khu vực ASEAN-6, có tới 5 thị trường đã để mất thành quả kể từ đầu năm, thậm chí có thị trường giảm mạnh như Thái Lan (-16,8%), duy nhất thị trường Việt Nam vẫn cao hơn vạch xuất phát 5,32%.

Các đồng tiền châu Á đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể so với đồng USD trong năm nay nhưng các ngân hàng trung ương châu Á nhìn chung có thái độ chờ đợi và quan sát chính sách tiền tệ kể từ đầu năm 2023. Giờ đây, sự chú ý sẽ tập trung vào việc liệu họ có thay đổi quan điểm duy trì hiện trạng hay không.

Việc Ngân hàng Trung ương Indonesia bất ngờ tăng lãi suất vào tuần trước đã nêu bật tình thế tiến thoái lưỡng nan của các ngân hàng trung ương khác ở châu Á trong việc bảo vệ tiền tệ và kiểm soát lạm phát, trong khi triển vọng nới lỏng tiền tệ sớm ở nhiều quốc gia đang mờ nhạt dần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao dốc gần 200 điểm chỉ trong vòng 2 tháng, VN-Index không còn nhiều áp lực giảm giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO