Chứng khoán

Cộng hưởng từ khu vực và nhóm Vingroup, VN-Index gây "sát thương" lớn

Mai Hương 26/10/2023 - 17:13

Nhiều thị trường chứng khoán châu Á đã có một phiên giảm sâu. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam còn ghi nhận biên độ giảm hơn 4% trong phiên giao dịch ngày 26/10, do chịu tác động tâm lý từ nhóm Vingroup.

Định vị thị trường

Bối cảnh của thị trường chứng khoán chỉ tạm cân bằng lại trong vài phiên rồi quay trở lại với trạng thái bất ổn. Chỉ số đo lường nỗi sợ VIX đã trở mức 21 điểm sau khoảng 3 phiên hạ nhiệt, kéo theo S&P 500 (-1,43%), NASDAQ (-2,43%), Dow Jones (-0,32%) đều giảm điểm trong đêm qua.

cnbc2610a.jpg
Nguồn CNBC

Sự đón nhận của thị trường chứng khoán châu Á cũng không tích cực. Chỉ số mạnh nhất khu vực là NIKKEI 225 (-2,14%) đã giảm về gần đường xu hướng dài hạn. Còn KOSPI (-2,71%) rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Điểm tựa cho nhà đầu tư Việt Nam từ khu vực là không có và rất dễ chịu những tổn thương không đáng có khi xuất hiện những tin đồn.

Chất xúc tác

Tỷ giá là một trong biến số quan trọng có thể tác động tới chính sách tiền tệ của nhà điều hành. Dù Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng trở lại hệ thống, vận động của tỷ giá trong nhiều ngày trở lại đây vẫn được kiểm soát khá tốt. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước trong sáng nay (ngày 26/10) so với phiên hôm qua chỉ tăng 8 điểm lên 24.095 VND/USD.

Phiên hôm qua, có 600 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 1,45% và chiều ngược lại có 20.000 tỷ đồng đáo hạn. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 19.400 tỷ đồng ra vào hệ thống, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức gần 193.900 tỷ đồng.

Mức lãi suất liên ngân hàng sau một vài phiên tăng đột biến đã giảm khá nhanh ở nhiều kỳ hạn. Tại kỳ hạn qua đêm, lãi suất đã giảm về 1,8%. Điều này cũng đồng thời cho thấy, hệ thống chưa có những biến cố lớn gây ra vấn đề cho thanh khoản của các ngân hàng.

3ex-2023-10-26.png

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp. HOSE bị rút hơn 100 tỷ đồng còn HNX và UPCoM nhận về hơn 55 tỷ đồng.

hose-2023-10-26.png

Tuy nhiên, sự chú ý của nhà đầu tư trong nước lại dành quá nhiều cho hoạt động bán ròng tại VHM (-236 tỷ đồng) dù phiên cuối tuần trước và đầu tuần, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.800 tỷ đồng VHM.

Vận động thị trường

Theo lý giải từ Tập đoàn Vingroup, việc nhà đầu tư ngoại bán ra VHM mang tính chất phòng vệ sau khi Tập đoàn hoàn tất phát hành trái phiếu hoán đổi trị giá 300 triệu USD, với mức lãi suất 9,5-10%/năm.

vhm.gif
Diễn biến các cổ phiếu Vingroup từ 9h15-9h30.

Tuy nhiên, với việc khối ngoại bán VHM mạnh tay đầu phiên sáng nay, đã kích hoạt vào đúng điểm yếu tâm lý của thị trường sau các phiên hồi phục không có dòng tiền.

Một loạt các tin đồn chưa có cơ sở đã được chia sẻ dẫn đến cả thị trường rơi vào vòng xoáy bán ra hoảng loạn. Kể cả các cổ phiếu lớn như: MSN (-7%), PLX (-6,9%), GVR (-6,8%), cũng giảm sàn bên cạnh bộ 3 Vingroup VHM, VRE và VIC.

anh2.png
Trạng thái đóng cửa của các cổ phiếu giảm sâu trong VN30

Cùng với đó, một loạt mã giảm trên 4% như: TPB, TCB, SAB, STB, VIB, HPG, GAS. Toàn bộ 30/30 trong VN30 đều mất giá khi đóng cửa.

Tổn thất lớn nhất vẫn thuộc về nhóm Midcap và Penny nơi nhà đầu tư cá nhân vẫn luôn thể hiện sức chịu đựng kém nhất. Các mã: KBC, PVD, HSG, NVL, VND, GEX, TCH, CII, NKG, PVT, VIX, LCG, DGW, DBC, FCN… giảm sàn đồng loạt bất chấp nhiều cổ phiếu vẫn còn nguyên câu chuyện hỗ trợ như giải ngân đầu tư công, giá dầu neo cao.

Độ rộng của HOSE ghi nhận tới 90% mã giảm giá trong đó có 114 mã giảm sàn. Chỉ số VN-Index giảm 46,21 điểm xuống 1.055,45 (-4,19%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 23.243 tỷ đồng.

vnindex2610.jpg

Mức giảm sâu cũng được ghi nhận tại HNX và UPCoM. 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index mất 3,71% và 2,58%, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 3.300 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu giảm sàn tại 2 sàn là 50 mã, qua đó nâng tổng cộng số mã giảm sàn lên 164 mã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng hưởng từ khu vực và nhóm Vingroup, VN-Index gây "sát thương" lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO