(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Hội nghị sơ kết tình hình hoạt động 9 tháng của các tổ chức hội viên là trung gian thanh toán và Fintech thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam diễn ra sáng ngày 10/11, các ý kiến kiến nghị tập trung vào vấn đề hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức phát triển sản phẩm dịch vụ cũng như đảm bảo an toàn hoạt động.
|
Hiện Hiệp hội Ngân hàng có 16 tổ chức hội viên là các tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) và Fintech. Trong thời gian qua, với sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức TGTT và Fintech, giao dịch qua các dịch vụ TGTT tăng mạnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, dịch vụ cổng thanh toán điện tử tăng 46,7% về số lượng, 42,6% về giá trị; dịch vụ ví điện tử tăng 85,3% về số lượng, 91,5% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ tăng 47,1% về số lượng, 78% về giá trị; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền tăng 95,6% về số lượng, 16,9% về giá trị.
Tuy nhiên, hoạt động TGTT vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là hành lang pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ để các tổ chức phát triển sản phẩm dịch vụ và đảm bảo an toàn hoạt động. Ý kiến các tổ chức TGTT và Fintech cho rằng, ngoài văn bản hợp nhất số 47 có quy định về hoạt động cung ứng ví điện tử, đến nay chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh chi tiết nội dung này. Ngoài ra, chưa có hành lang pháp lý tương ứng giúp TGTT cung cấp dịch vụ cho một số mô hình đặc thù, ví dụ như các tổ chức từ thiện, trong khi nhu cầu ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, Nghị định 101/2012/NĐ-CP về Thanh toán không dùng tiền mặt ban hành từ năm 2012 đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế do thực tế phát triển thay đổi, nhiều quy định không còn phù hợp cần thay thế.
Đại diện Công ty TNHH TMDV Mạng lưới thông minh (Smartnet) cho biết, các doanh nghiệp là TGTT và Fintech mong chờ văn bản thay thế Nghị định 101 từ lâu... “Chúng tôi được biết hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101 đồng thời xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 39 để ban hành ngay khi Nghị định thay thế này có hiệu lực. Chúng tôi rất mong Nghị định mới sớm được ban hành”, đại diện Smartnet đề nghị.
Cũng theo đại diện Smartnet, ngoài việc chờ đợi văn bản thay thế Nghị định 101, các doanh nghiệp cũng mong chờ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox. Đây đều là những hành lang pháp lý quan trọng cho TGTT phát triển.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại diện các đơn vị khác như Công ty cổ phần Zion, Công ty cổ phần Cổng TGTT Ngân lượng, Công ty cổ phần Thông tin tín dụng Việt Nam (PCB)… cũng cho biết đang chờ đợi Nghị định thay thế Nghị định 101 khá lâu và cơ chế thử nghiệm sandbox đã có chủ trương rồi thì cần ban hành văn bản, sớm được triển khai sớm.
Đại diện Công ty cổ phần Cổng TGTT Ngân lượng cho rằng cơ chế sandbox đến nay chưa có thêm bước tiến mới trong khi doanh nghiệp chờ đợi hành lang pháp lý cho blockchain, crypto, P2P Lending…. Nếu không có hành lang thì doanh nghiệp không dám làm, bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro nhưng nếu không làm sớm thì chậm chân. “Hành lang pháp lý đối với hoạt động có tính chất đổi mới sáng tạo cần sớm được ban hành để các doanh nghiệp trong nước theo kịp sự phát triển thế giới” - đại diện cổng Ngân lượng nhấn mạnh.
Đại diện CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, với vai trò của một đơn vị có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng thanh toán cho các TCTD cũng như các TGTT, Napas hỗ trợ các tổ chức cả về hạ tầng và khuôn khổ pháp lý. Hiện, các TGTT tự kết nối với từng ngân hàng thì không hiệu quả, tốn mạng lưới. Napas tạo nền tảng để các TGTT kết nối với các ngân hàng, thông qua Napas việc kết nối sẽ hiệu quả nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai Napas nhận thấy, việc xác thực điện tử (eKYC) thông qua trung gian có thể có rủi ro rơi vào vùng xám pháp lý. Do đó, cần làm rõ các vấn đề này để các tổ chức có thể tiếp cận, triển khai thúc đẩy ví điện tử phát triển.
Đề cập đến quyền bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng và đề nghị cần xem lại mức độ của quyền này khi cá nhân có nợ xấu, đại diện Công ty cổ phần Thông tin tín dụng Việt Nam (PCB) cho rằng, trong hoạt động tín dụng, nếu khách hàng có nợ xấu thì các tổ chức trong lĩnh vực ngân hàng, thanh toán, TGTT cần được biết thông tin này để đánh giá xem xét rủi ro trước khi quyết định cấp tín dụng. Việc đề cao quyền bảo vệ thông tin trong trường hợp này cần phải xem xét, nghiên cứu cho phù hợp.
Tại hội nghị, rất nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, chuyên sâu đã được thảo luận với mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện những khoảng trống pháp lý đối với hoạt động TGTT và Fintech nhằm tạo điều kiện cho dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán trung gian phát triển, góp phần hạn chế thanh toán tiền mặt.
Ghi nhận những kiến trao đổi tại hội nghị, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tổ chức hội viên là trung gian thanh toán và công ty Fintech; kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến TGTT như: Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox), khung thể chế thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending), Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/09/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Giao dịch điện tử…; đẩy mạnh công tác phản biện, tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan hoạt động trung gian thanh toán và công nghệ tài chính ngân hàng nhằm bảo vệ tổ chức hội viên trong đó có nhóm TGTT và công ty Fintech.
Đối với khuôn khổ pháp lý thử nghiệm Fintech, NHNN đã dự thảo và lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox) quy định về các tiêu chí tham gia xét duyệt Cơ chế thử nghiệm, các giải pháp Fintech được phép tham gia thử nghiệm, quyền và trách nhiệm các bên liên quan. Đây là cơ chế mới, phức tạp chưa từng có tiền lệ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhưng rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ tiên tiến của ngân hàng. |