Phòng, chống rửa tiền ở dịch vụ trung gian thanh toán

Hoàng Khánh| 16/10/2020 09:17
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính.

Theo Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 4 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, bổ sung về ‘tổ chức, cá nhân khác’ liên quan đến phòng, chống rửa tiền, bao gồm tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính được quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán, quy định các loại dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (Dịch vụ chuyển mạch tài chính; Dịch vụ bù trừ điện tử; Dịch vụ cổng thanh toán điện tử) và Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; Dịch vụ Ví điện tử).

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ và tuân thủ theo quy định của NHNN về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan. Bên cạnh đó, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử theo quy định của NHNN.

Ngoài ra, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải tuân thủ các quy định về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.

Ảnh mang tính minh họa

Ngoài ra, theo Thông tư số 23/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN quy định tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán định kỳ hàng quý, năm. Báo cáo thông tin tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày ký kết hợp đồng/thỏa thuận hợp tác cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với ngân hàng hợp tác, mở và sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử.

Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải báo cáo tình hình rủi ro gian lận, giả mạo, gây thiệt hại về tài chính cho khách hàng, hoặc các sự cố khi phát hiện sự cố gây gián đoạn hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 chiều 2/10, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã trả lời báo chí về quan điểm của NHNN đối với vấn đề định danh của người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như giải pháp của NHNN nhằm tránh tình trạng một số đối tượng xấu lợi dụng trung gian thanh toán nhằm lừa đảo.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, về định danh của người sử dụng dịch vụ thanh toán, có những trường hợp mà báo chí phản ánh vừa qua có thể mang tính chất lừa đảo hoặc có sự sơ hở của một số ngân hàng thương mại nên một số đối tượng có được thông tin của khách hàng và lợi dụng để vi phạm. NHNN đang nghiên cứu và xây dựng dự thảo Thông tư về quản lý sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán, sử dụng dịch vụ thẻ. NHNN sẽ kết hợp với cơ quan công an để sử dụng thông tin được lưu trữ trong dữ liệu công dân và quan trọng nhất là trao quyền, trách nhiệm cho các tổ chức cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán; xác định, đảm bảo được giải pháp về mặt công nghệ, đảm bảo an toàn cho việc định danh của những người tham gia sử dụng những dịch vụ này.

Theo luật sư Lương Hữu Bàng -  Đoàn Luật sư Hà Nội, việc các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ và tuân thủ theo quy định của NHNN về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền là cần thiết, nhất là đối với dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; Dịch vụ Ví điện tử). Tuy nhiên, luật sư Bàng cũng đề nghị NHNN cần có những chính sách phù hợp nhất đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và nếu siết chặt quá có thể sẽ hạn chế sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt.

Được biết, NHNN đã cấp phép cho 37 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn các đơn vị này cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ chi hộ, chuyển tiền điện tử…(trong đó có 33 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử).

NHNN cũng yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tuân thủ các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đặc biệt coi trọng công tác nhận diện khách hàng, nhận diện đơn vị chấp nhận thanh toán và kiểm soát các giao dịch đáng ngờ; đảm bảo việc kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử kịp thời, thông suốt và an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống rửa tiền ở dịch vụ trung gian thanh toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO