Các Hiệp hội ngành, nghề

Logistics sẽ trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực kinh tế mạnh

Nguyễn Huyền 09/10/2023 - 09:59

Logistics được ví như “xương sống” của nền kinh tế, nên “sức khỏe” của nền kinh tế tỷ lệ thuận với độ hiệu quả của hệ thống logistics. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả logistics sẽ giúp nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ vận tải, hậu cần, thương mại tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh.

logistics.jpg
Ảnh minh họa.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng tầm giá trị chuỗi cung ứng của nhà sản xuất và đây chính là thời cơ vàng để tăng GDP. Đặc biệt vừa qua trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, Việt Nam-Hoa Kỳ đã xác lập mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mang đến cơ hội phát triển thị trường sản xuất công nghệ cao và bán dẫn giữa 2 quốc gia.

Cơ sở hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển thị trường logistics

Với điều kiện địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ chính phủ, có thể nói Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút loạt các “đại bàng” đến làm tổ và đóng góp hơn nữa vào GDP Việt Nam.

“Những con số ấn tượng cùng những dự báo đầy triển vọng mà chúng tôi quan sát được cho thấy tiềm năng của logistics tại Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực mạnh. Trong đó, cơ sở hạ tầng là một phần tất yếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường logistics,” bà Trang Bùi nhận định.

Theo PwC, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng và đang chi khoảng 5,7% GDP cho lĩnh vực này. Cụ thể, Việt Nam có tổng chiều dài đường bộ 595.201 km, trong đó, đường bộ quốc gia là 25.560 km. Mạng lưới đường cao tốc đã đưa vào khai thác là 1.239 km; đang triển khai xây dựng khoảng 14 tuyến, đoạn tuyến, tương đương với 840 km.

Các đô thị lớn như Hà Nội tập trung ưu tiên cho dự án đường Vành đai 4, trong khi TP. Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên cho đường Vành đai 3 để tăng cường kết nối các địa phương lân cận, tăng cường kết nối vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics đến cảng biển.

Về đường sắt, mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga, và có 2 tuyến kết nối với Trung Quốc tại Đồng Đăng và Lào Cai. Đặc biệt, miền Bắc sở hữu tuyến đường bộ, thủy và sắt nối thẳng đến Thẩm Quyến, được mệnh danh Thung lũng Silicon Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng và phân bổ sản xuất trong khu vực.

Cung cấp dịch vụ trực tiếp từ Việt Nam tới khu vực Bắc Mỹ, châu Âu giúp tiết kiệm được 150–300 USD/TEU

Hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn vừa qua đã được chú trọng đầu tư với quy mô, công nghệ hiện tại vươn tầm quốc tế, đặc biệt là hệ thống cảng container (2 cảng biển lớn của Việt Nam là Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh đều nằm trong top 50 cảng container lớn trên thế giới).

Hệ thống cảng biển với 286 bến cảng, tổng chiều dài cầu cảng hơn 96 km. Theo số liệu công bố tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 - triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của ngành cảng biển, vận tải biển do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức tuần qua, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 ước đạt 733,18 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 179,07 triệu tấn, giảm 3%; hàng nhập khẩu đạt 209,26 tấn, giảm 2%.

Nổi bật phải kể đến là cảng Cái Mép đã tiếp nhận thành công siêu tàu container Cosco Shipping Aquarius 197.049 Dwt năm 2021, Msc Ditte 200.000 Dwt năm 2022 và Oocl Spain 232.000 Dwt năm 2023, những sự kiện đánh dấu cột mốc dẫn đến thành công cho cảng biển Việt Nam.

Thêm vào đó, lần đầu tiên, các hãng vận tải biển đã có thể cung cấp dịch vụ trực tiếp từ Việt Nam tới khu vực Bắc Mỹ và châu Âu mà không cần đến các tàu gom để kết nối với các trung tâm trung chuyển khu vực như Singapore hay Hồng Kông. Việc này giúp giảm bớt chi phí trung chuyển ước tính tiết kiệm được khoảng 150–300 USD/TEU đối với những container đi và đến Việt Nam.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 - 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 - 10,3 triệu lượt khách.

Theo bà Trang Bùi, ngành sản xuất công nghiệp chính là trái tim của sự phát triển kinh tế của đất nước, và ‘sức khỏe’ của một nền kinh tế tỷ lệ thuận với độ hiệu quả của hệ thống logistics. Do vậy, việc nâng cao độ hiệu quả logistics sẽ giúp các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ vận tải, hậu cần, các cơ quan quản lý thương mại giảm thiểu những trì hoãn có thể tránh được, từ đó làm tăng sản lượng và giảm chi phí kinh doanh.

“Với những điều kiện hấp dẫn trên, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với Dubai và Hồng Kông, thậm chí là Singapore hay Thượng Hải, không chỉ phấn đấu trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa toàn cầu mà còn là một mắt xích quan trọng như ‘cánh tay nối dài’ của công xưởng thế giới”, chuyên gia Cushman & Wakefield kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Logistics sẽ trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực kinh tế mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO