Doanh nghiệp

Lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản sụt giảm mạnh, Nam Việt giảm gần 94% năm 2023

Hoàng Hà 26/01/2024 - 09:33

Trong giai đoạn 2017-2022, lợi nhuận sau thuế của Nam Việt (ANV) dù có những biến động nhưng luôn giữ được mức 3 chữ số. Tuy nhiên, năm 2023 trong bối cảnh đơn hàng giảm mạnh và giá vốn tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp cá tra này đã lao dốc về mức vài chục tỷ đồng.

anv.jpg
Ảnh minh họa

Công ty CP Nam Việt (mã ANV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt 1.111 tỷ đồng, giảm 3% so với quý IV/2022. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng gần 10% khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, còn 114 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp suy giảm từ mức 21% của cùng kỳ về 10% trong quý này.

Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng giảm 81% do giảm lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh. Trong kỳ, chi phí tài chính của công ty giảm gần 34%, xuống 46 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng giảm 24% về 53,6 tỷ đồng, chi phí quản lý gần như đi ngang ở mức 18 tỷ đồng. Kết quả, quý IV/2023, Nam Việt lỗ 517 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 107 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 4.439 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022 song lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 94%, chỉ còn 42 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 7 năm qua của công ty (kể từ 2017).

anv-3008.png

Chứng kiến lợi nhuận sụt giảm mạnh cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp thủy sản trong năm 2023 vừa qua khi lạm phát cao tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu vẫn ở mức cao khiến cho nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giá bán cũng sụt giảm trong khi giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics leo thang gây áp lực đối với hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thủy sản.

Trước Nam Việt, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất nước là Công ty CP Vĩnh Hoàn (mã VHC) cũng ghi nhận doanh thu năm 2023 sụt giảm 25%, còn 10.079 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 53% còn 950 tỷ đồng - mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 3 năm gần đây. Thậm chí, quý IV/2023, lợi nhuận của công ty chỉ còn rơi về mức đáy 32 tháng (kể từ quý IV/2015 đến nay), chỉ đạt 66 tỷ đồng.

Hay một số doanh nghiệp thủy sản nhỏ hơn như Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (mã CCA), Công ty CP Thủy sản Mekong (AAM) đều cùng báo lỗ sau thuế trong quý IV/2023 và lợi nhuận cả năm 2023 đều giảm trên 90% so với năm 2022, chỉ còn vỏn vẹn 4 tỷ đồng và chưa đầy 1 tỷ đồng.

Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) là doanh nghiệp hiếm hoi công bố doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhẹ trong quý cuối năm 2023 với doanh thu 1.253 tỷ đồng và lãi sau thuế 89 tỷ đồng. Dù vậy, tính chung cả năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FMC vẫn giảm lần lượt 11% và 6% so với năm 2022, đạt 5.087 tỷ đồng và 302 tỷ đồng.

Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng phục hồi rõ nét từ nửa cuối năm 2024

Trong báo cáo ngành thủy sản mới đây, Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024 sẽ phục hồi chậm do tiếp tục có xu hướng giảm từ năm 2023 (năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm 17,5% so với năm 2022, đạt 9 tỷ USD) và khả năng đến nửa cuối năm 2024 sự phục hồi mới rõ nét hơn.

Với các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, SSI Research nhận định giá đầu vào ngành thủy sản có xu hướng giảm sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của các công ty chế biến. Cụ thể, trong tháng 12/2023, giá cá nguyên liệu và cá giống lần lượt giảm 9% và 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, giá tôm nguyên liệu cũng giảm 19%.

Do sản lượng đơn đặt hàng phục hồi yếu, bộ phận phân tích cho rằng năm 2024 sẽ không thiếu nguồn cung tôm hay cá nguyên liệu, tuy nhiên giá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu.

Dù giá đầu vào giảm song biên lợi nhuận gộp của các công ty chế biến vẫn sẽ giảm so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024 do giá bán trung bình giảm so với cùng kỳ và mức giảm nhanh hơn so với nguyên liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, theo nhóm phân tích, chi phí vận chuyển tăng có thể làm suy yếu lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024. Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang, chi phí vận chuyển từ Việt Nam đến thị trường Mỹ, châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023.

SSI Research ước tính, chi phí vận chuyển tăng sẽ khiến chi phí vận chuyển/doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng khoảng 3-5% trong tháng 12/2023 lên 7-10% trong tháng 1/2024.

Dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu, nghĩa là người mua sẽ chịu chi phí vận chuyển song nhóm phân tích cho rằng, do nhu cầu vẫn suy yếu nên người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt.

Từ những phân tích trên, SSI Research dự báo lợi nhuận của ngành thủy sản sẽ tăng khoảng 20-30% trong năm 2024, chủ yếu là trong nửa cuối năm 2024, từ mức nền thấp của năm 2023 (dự báo giảm khoảng 50-80% so với năm 2022). Với giả định rằng giá cá tra sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024, mức lợi nhuận năm 2024 có thể sẽ vẫn thấp hơn lợi nhuận trong giai đoạn 2021-2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản sụt giảm mạnh, Nam Việt giảm gần 94% năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO