Chủ Nhật, 4/5/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Đằng sau sự phát triển năng động của những khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương là những khó khăn, chật vật trong đời sống của một bộ phận người dân, công nhân những con người đã “vượt khó đi lên” nhờ đồng vốn tín dụng chính sách.
Những chương trình tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đã mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn ưu đãi không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn tạo động lực để người dân thay đổi tư duy sản xuất.
Theo Báo cáo kết quả hoạt động từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Bình Dương cho thấy, trong giai đoạn 2020 - 2025, công tác tín dụng chính sách dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác mà NHCSXH Bình Dương triển khai đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm 2020, NHCSXH Bình Dương đã triển khai thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách với nguồn vốn thực hiện đến nay là 5.745 tỷ đồng, tăng 3.141 tỷ đồng so với cuối năm 2019.
Tổng dư nợ đến ngày 31/3/2025 đạt 5.414 tỷ đồng, tăng 2.619 tỷ đồng so với cuối năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18,73%, với 85.599 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận tín dụng chính sách với 163.872 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 9.665 tỷ đồng, góp phần giúp 7.682 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, cận nghèo, thu hút, tạo việc làm cho 114.444 lao động, giúp cho trên 5.601 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng hơn 34.037 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 60 người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn…
Tín dụng chính sách không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho từng hộ gia đình, mà còn tạo ra những tác động xã hội tích cực, thay đổi diện mạo cả cộng đồng. Nhờ vốn vay học sinh, sinh viên, tỷ lệ trẻ em bỏ học đã giảm đáng kể. Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp nhiều hộ dân cải thiện điều kiện sống. Sự thay đổi về điều kiện sống và môi trường đã nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ sức khỏe và phát triển bền vững. Các chương trình tín dụng hỗ trợ xây nhà ở, nhà vệ sinh đã nâng cao chất lượng sống của người dân.
Nhờ sự triển khai hiệu quả của NHCSXH, các chương trình tín dụng đã giúp nhiều hộ nghèo phát triển kinh tế. Chỉ thị số 40 ra đời đúng thời điểm, giúp người dân vùng sâu, vùng xa có cơ hội thoát nghèo.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tín dụng chính sách còn giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Từ chỗ trông chờ vào thiên nhiên, họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tiết kiệm và lập kế hoạch phát triển dài hạn.
Sự phối hợp giữa hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của “dòng chảy” tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Tín dụng chính sách xã hội không chỉ đơn thuần một giải pháp tài chính mà còn là một sứ mệnh xã hội mang đậm tính nhân văn. Khi chính sách gặp được sự đồng lòng và quyết tâm, chắc chắn sẽ vươn cao và phát triển bền vững, trở thành niềm tự hào của đất nước.
Tín dụng chính sách đã thắp sáng hy vọng cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh, giúp họ từng bước thoát nghèo bền vững. Dù hành trình phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với sự hỗ trợ từ Nhà nước và nỗ lực của người dân, một địa phương ấm no, thịnh vượng không còn là giấc mơ xa vời.