Các TCTD đề nghị đối với các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành thì Luật Các TCTD (sửa đổi) chỉ nên quy định những nội dung đặc thù của ngành Ngân hàng, còn lại áp dụng chung với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán.
Luật Các TCTD (sửa đổi) dành cả Chương III (từ Điều 29 đến Điều 88) để quy định về tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng (TCTD). Các điều này quy định chi tiết về điều lệ, cơ cấu tổ chức quản lý, miễn nhiệm, bãi nhiệm, công khai lợi ích liên quan, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập…; quy định chi tiết từng loại hình TCTD là công ty cổ phần, công ty TNHH, Hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam….
Theo ý kiến của một số TCTD, hiện nay phần lớn các ngân hàng đều đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc tổ chức, quản trị, điều hành các TCTD phải đồng thời áp dụng cả Luật Các TCTD, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán (đối với công ty đại chúng). Điều này dẫn tới sự chồng chéo trong quy định pháp luật khi áp dụng, gây lúng túng cho các TCTD, có tình trạng một vấn đề quy định tại Luật Các TCTD “vừa thừa, vừa thiếu”, tạo ra các quan điểm khác nhau khi áp dụng pháp luật.
Vì vậy, đại diện một ngân hàng đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh các nội dung liên quan tới quy định tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD theo hướng áp dụng các quy định chung về tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD (tùy theo mô hình/loại hình công ty) như quy định chung tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán hiện hành.
Đó là các quy định về: người đại diện theo pháp luật; nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát; quyền, nghĩa vụ của tổng giám đốc; quyền, nghĩa vụ của cổ đông phổ thông; đại hội đồng cổ đông; việc triệu tập họp và tỷ lệ thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông; nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản trị….
Góp ý dự thảo Luật tại buổi Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức mới đây, đại diện một ngân hàng cho rằng, Luật Các TCTD (sửa đổi) chỉ nên đặt ra các quy định đối với những vấn đề đặc thù của ngành Ngân hàng như: cơ cấu tổ chức quản lý của TCTD; những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ; quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành TCTD; tỷ lệ sở hữu cổ phần/phần vốn góp tại TCTD; hệ thống kiểm soát nội bộ; kiểm toán độc lập; chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đối với danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của TCTD….
"Ngoài các quy định chung áp dụng theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán áp dụng đối với công ty đại chúng, thì các điểm yêu cầu đặc thù đối với các TCTD sẽ quy định thêm tại Luật các TCTD'', đại diện một ngân hàng nói.
Cũng tại buổi tọa đàm trên, đại diện một số ngân hàng đề nghị, cần bổ sung cơ chế, làm rõ trách nhiệm của thành viên ban kiểm soát từ ngày nộp đơn từ chức tới ngày được đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Theo quy định, thành viên ban kiểm soát bị miễn nhiệm khi có đơn từ chức gửi ban kiểm soát và thẩm quyền phê duyệt việc miễn nhiệm này thuộc đại hội đồng cổ đông và phải thực hiện biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông mà không thể lấy ý kiến bằng văn bản.
Việc tổ chức một cuộc họp bất thường chỉ để thông qua một vấn đề miễn nhiệm một thành viên ban kiểm soát sẽ gây tốn kém chi phí, thời gian của các TCTD cũng như các cổ đông, do đó, hầu hết các TCTD sẽ phải chờ đợi tới cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên để thông qua quyết định miễn nhiệm này.
Đại diện các ngân hàng cũng đề nghị, cần quy định trong khoảng thời gian này thành viên ban kiểm soát không phải chịu trách nhiệm về các quyết định, nghị quyết của ban kiểm soát mà thành viên đó không tham gia biểu quyết, thông qua.
Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi đã mở rộng quá nhiều đối tượng có liên quan khó đảm bảo khả năng thực hiện. Ngân hàng đề nghị nên giữ nguyên việc xác định người có liên quan như Luật Các TCTD hiện nay và Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
Đồng thời, cần quy định giao dịch giữa TCTD với người có liên quan của TCTD, quy định về trình tự thủ tục chưa hợp lý, đặc biệt là hợp đồng/giao dịch giữa TCTD với người có liên quan khi phát sinh giao dich thường xuyên như giao dịch tài khoản, thẻ, tiền gửi.... Theo đó, chỉ yêu cầu đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị thông qua giao dịch cấp tín dụng, mua bán/chuyển nhượng đối với các đối tượng có liên quan; còn các giao dịch khác như tài khoản, thẻ, tiền gửi…. thuộc hoạt động kinh doanh hàng ngày của TCTD thì không phải thông qua phê duyệt của đại hội cổ đông hay hội đồng quản trị.