Kinh tế Mỹ có thể đang hướng đến việc “hạ cánh mềm”. Tuy nhiên, phần đông thế giới lại đang lo lắng.
Các quan chức ngành tài chính toàn cầu cho biết họ đang chật vật với triển vọng kinh tế còn nhiều bất ổn khi mà còn những yếu tố phân cực, trong khi một số nước chật vật với những “vết sẹo” còn dai dẳng của đại dịch COVID-19 thì nhiều nước khác tăng trưởng cao.
Việc kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng mạnh tiềm ẩn thách thức với phần còn lại của thế giới bởi điều đó đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian dài hơn, đồng USD mạnh đồng thời tạo ra nhiều áp lực lên tăng trưởng kinh tế của nhiều nước khác.
Việc giá dầu tăng cao từ mùa hè đến nay đang đe dọa đẩy cao lạm phát ở thời điểm mà nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tin rằng họ đang ở điểm cuối của chu kỳ siết chặt chính sách lãi suất.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, mới đây đã cảnh báo về khả năng diễn biến kinh tế của các nước sẽ ngày một trái chiều.
Căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông leo thang đe dọa sẽ đẩy cao biến động trên thị trường năng lượng, ngoài ra cũng có thể gây ra xáo trộn trên thị trường hàng hóa giống như sau căng thẳng Nga – Ukraine vào năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định: “Căng thẳng địa chính trị hiện là những rủi ro kinh tế thực sự và chúng ta đều nhận thức được điều đó. Bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào chắc chắn sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.
Số liệu kinh tế Mỹ tốt bất ngờ, trong đó đặc biệt phải kể đến báo cáo thị trường việc làm tháng 9/2023 đầy ấn tượng đã đẩy lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ lên ngưỡng cao nhất trong 16 năm. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì lãi suất ở ngưỡng cao trong thời gian dài hơn.
Trong tuần này, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ ở mức 2,1% trong năm nay và 1,5% vào năm sau, đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” tốt hơn nhiều so với tính toán trước đó.
Tuy nhiên, IMF lại bi quan về triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế khác trên thế giới. Kinh tế Trung Quốc đã suy giảm đà tăng trưởng mạnh hơn so với kỳ vọng bởi sự suy yếu trên thị trường bất động sản cũng như nhu cầu tiêu dùng. IMF cũng dự báo kinh tế Đức sụt giảm tăng trưởng trong năm nay.
Tổng quy mô thương mại toàn cầu được dự báo tăng trưởng chỉ 0,9% trong năm nay, mức tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với con số 5,1% của năm ngoái.
IMF lo ngại rằng thương mại toàn cầu chững lại có thể đánh dấu kỷ nguyên mới của sự suy giảm về toàn cầu hóa khi mà chính phủ các nước định hướng chính sách kinh tế theo hướng bảo vệ an ninh quốc gia nhiều hơn. Những biến cố căng thẳng địa chính trị ví như tại Nga – Ukraine và tình trạng đối đầu Mỹ - Trung Quốc đã gây tổn thương chuỗi cung ứng.
Các yếu tố gián đoạn nguồn cung không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế mà còn khiến cho nhà đầu tư lo ngại nhiều hơn về rủi ro từ các cú sốc địa chính trị và làm đẩy cao lãi suất.
Tình trạng lạm phát dai dẳng vẫn tiếp tục gây ngạc nhiên cho ngân hàng trung ương và nhà đầu tư nhiều nước trên thế giới. IMF đã nâng dự báo lạm phát năm sau lên mức 5,8% từ tính toán 5,2% vào trước đó. Đối với phần lớn các nước, IMF không cho rằng lạm phát sớm trở lại ngưỡng mục tiêu của ngân hàng trung ương các nước trước năm 2025.
Số liệu vào ngày thứ Năm tuần trước cho thấy tình trạng lạm phát giảm tại Mỹ đã ngưng lại vào tháng 9/2023.
Nhiều nền kinh tế trên khắp thế giới hiện đang đương đầu với rủi ro lạm phát từ sự tăng giá của đồng USD và giá dầu cao. Khi giá trị đồng USD tăng, việc các nước mua hàng hóa ngoại nhập sẽ trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn. Phần lớn giá trị các loại hàng hóa đều được tính bằng đồng USD.
“Các ngân hàng trung ương không hề cảm thấy dễ chịu khi phải duy trì lãi suất cao. Thế nhưng khi mà lạm phát dai dẳng hơn so với kỳ vọng, chúng ta sẽ buộc phải giữ lãi suất ở ngưỡng cao”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi – bà Lesetja Kganyago phân tích. Trong vài tháng gần đây, đồng Rand của Nam Phi đã hạ giá đến 6% so với đồng USD.
Nhiều quan chức quản lý kinh tế trên khắp toàn cầu lo sợ lãi suất tăng và đồng USD mạnh sẽ có thể tạo ra tình trạng căng thẳng nợ nần trong các nước đang phát triển.
Sự tăng giá của đồng USD sẽ khiến cho các nước mới nổi gặp khó trong việc chi trả các khoản nợ được định giá bằng đồng USD. Lãi suất tăng lên cũng khiến cho họ gặp khó trong việc phát hành các khoản nợ mới nhằm có nguồn thu và thanh toán các khoản trái phiếu đáo hạn.