Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, vừa khép lại Chương trình Đào tạo kỹ năng quản lý tài chính 2024. Chương trình thuộc khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác 3 năm giữa Visa và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính thiết yếu trên toàn quốc.
Đặc biệt, chương trình năm 2024 được Visa phối hợp thực hiện cùng Ủy ban Dân tộc và Công ty Cổ phần tập đoàn chuyển đổi số NextPay thuộc Tập đoàn NextTech, giới thiệu mô hình học tập gắn với thực tiễn, giúp nâng cao năng lực kinh tế của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Chương trình năm nay đã mở rộng phạm vi hoạt động đến Hòa Bình và Tuyên Quang, hai tỉnh có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số. Đây là những khu vực được xác định có tiềm năng cao để thúc đẩy hòa nhập tài chính, dựa trên cơ sở điểm số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, 13 điểm đối với Hòa Bình và 16 điểm đối với Tuyên Quang – theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Sự chênh lệch này cho thấy nhu cầu cấp thiết trong triển khai các sáng kiến về năng lực tài chính và kinh doanh thực tiễn, phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ông Trần Quang Tiến, Trưởng phòng -Phòng các ngân hàng Phát triển quốc tế, Vụ Hợp tác Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chia sẻ: “Trong hai năm qua, quan hệ đối tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Visa đã tạo ra nhiều tác động tích cực, mở ra cơ hội phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc cung cấp những kiến thức và công cụ tài chính thiết yếu. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ tiếp tục mang lại những thay đổi lớn hơn nữa, không chỉ đối với cộng đồng địa phương mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Sau 2 năm triển khai, Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính cho cộng đồng các dân tộc thiểu số đã trang bị kiến thức tài chính và các kỹ năng kinh doanh thiết yếu cho gần 250 học viên thông qua 4 khóa đào tạo trực tiếp, 16 buổi đào tạo trực tuyến sau khóa học và 2 buổi tham quan thực tế để học hỏi từ các mô hình kinh doanh thành công.
Theo ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: “Chương trình năm 2023 đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ hợp tác giữa chúng tôi và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Lào Cai và khu vực lân cận. Thành công ban đầu này đã đặt nền móng vững chắc cho chương trình năm 2024 để tiếp tục mở ra cơ hội phát triển, khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của địa phương”.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính đã mở rộng phạm vi tiếp cận và mang đến cho cộng đồng địa phương những trải nghiệm học tập đa dạng. Trong khuôn khổ chương trình đào tạo năm nay, Visa cùng các đối tác đã giới thiệu những kiến thức chuyên sâu về các chủ đề mới như ứng dụng AI trong bán hàng thương mại điện tử, kinh doanh, qua đó giúp học viên bắt kịp xu hướng thị trường. Nỗ lực hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thể hiện cam kết của Visa trong việc thúc đẩy thanh toán số và khuyến khích cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế số. Cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng tôi chia sẻ mục tiêu chung là số hóa nền kinh tế và thiết lập một hệ sinh thái tài chính số toàn diện để tạo ra sự thành công bền vững cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam”.
Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính 2024 đã giới thiệu những cập nhật quan trọng, mở rộng cả về mặt phạm vi và tác động thông qua phương pháp tiếp cận đa dạng, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến:
• Đào tạo chuyên sâu: Chương trình mang đến các buổi đào tạo trực tiếp và trực tuyến về quản lý tài chính, thương mại điện tử và marketing.
• Tham quan thực tế học hỏi mô hình kinh doanh thành công: Học viên có cơ hội tham quan trực tiếp mô hình kinh doanh từ các doanh nghiệp thành công, từ đó xây dựng mối quan hệ hợp tác và rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng kiến thức vào thực tế.
• Hỗ trợ tư vấn liên tục: Học viên được hỗ trợ tư vấn trong và sau khóa học để áp dụng hiệu quả các kỹ năng mới vào hoạt động kinh doanh. Các buổi tư vấn tập trung vào các chủ đề nâng cao như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thương mại điện tử và kinh doanh, tối ưu hóa chi phí đối với hợp tác xã và doanh nghiệp, tạo video bằng AI, phân tích hiệu suất kinh doanh, cũng như tối ưu hóa chi phí và thuế.
• Trải nghiệm thực tế với giải pháp thanh toán số và gói dùng thử: Thông qua hợp tác với NextPay, chương trình mang đến cho học viên cơ hội trải nghiệm thực tế ứng dụng thanh toán số và các giải pháp chuyển đổi số toàn diện của NextPay dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc NextPay, chia sẻ: “NextPay rất vui mừng được hợp tác với Visa để giới thiệu các giải pháp số toàn diện của chúng tôi trong Chương trình Đào tạo Kỹ năng Quản lý Tài chính 2024. Thông qua buổi đào tạo chuyên biệt và gói trải nghiệm, chúng tôi mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tích hợp hiệu quả các giải pháp này vào hoạt động kinh doanh. Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục mở rộng các sáng kiến nhằm trang bị cho SME kiến thức và công cụ cần thiết để cạnh tranh trong kỷ nguyên thanh toán kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ”.