Pháp luật - Nghiệp vụ

Mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Giao dịch điện tử đảm bảo song hành với tiến trình chuyển đổi số

T.H 09/04/2023 10:44

Tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách do Quốc hội tổ chức, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với tiến trình chuyển số.

qh.jpg
Mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Giao dịch điện tử đảm bảo song hành với tiến trình chuyển đổi số

Theo Tờ trình số 363/TTr-CP ngày 3/10/2022, tại Điều 1, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định: Luật này quy định về giao dịch điện tử và thành phần cơ bản, biện pháp bảo đảm, chính sách thúc đẩy giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Luật này không quy định về nội dung của giao dịch. Luật khác quy định giao dịch không thực hiện bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý Điều 1 (Phiên bản ngày 31/3/2023) quy định: Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Trường hợp Luật khác không quy định thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó.

Báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành quy định về phạm vi điều chỉnh tại dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Theo Tờ trình của Chính phủ, căn cứ để mở rộng phạm vi điều chỉnh dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ… tại Việt Nam hiện đã sẵn sàng , đảm bảo an toàn, tin cậy. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch có quyền lựa chọn về công nghệ, phương tiện điện tử… để thực hiện giao dịch.

Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định pháp lý về thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước… Hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan đã cơ bản được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện có thể thực hiện giao dịch điện tử.

Thực tiễn Việt Nam cho thấy, một số lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 hiện nay đã được triển khai giao dịch điện tử một phần như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn đã có dịch vụ công trực tuyến tại nhiều địa phương… Các dịch vụ công trực tuyến do các bộ, ngành, địa phương cung cấp đang được tích cực triển khai theo hướng khép kín toàn bộ quá trình dịch vụ từ đầu đến cuối (toàn trình).

Hơn nữa, việc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam (Indonesia, Philippin…) và một số quốc gia khác cũng không hạn chế phạm vi điều chỉnh trong luật; có quốc gia chỉ quy định một số lĩnh vực loại trừ áp dụng giao dịch điện tử ở các văn bản dưới luật nhằm dễ dàng thay đổi khi điều kiện cho phép (Thái Lan).

Đối với ý kiến đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng các giao dịch điện tử trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh để bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức thực hiện, ông Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban cho rằng, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) chỉ quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của từng loại giao dịch điện tử thuộc các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Tán thành với quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội nghị cho rằng, việc mở rộng và chỉnh lý như báo cáo của cơ quan chủ trì thẩm tra là hợp lý.

Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cũng cần lưu ý: Khoản 2 Điều 1 cân nhắc bổ sung cụm từ "điện tử" vào sau cụm từ "giao dịch" cho thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Cụ thể, tại điểm 2, Điều 1 quy định như sau: “Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch điện tử. Trường hợp Luật khác không quy định thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó”.

Còn theo Luật sư Hoàng Văn Việt, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch Điện tử là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với tiến trình chuyển số. Hiện nay, với điều kiện công nghệ ngày càng phát triển, đặc biệt khi công nghệ số được đẩy mạnh, việc đảm bảo an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử cũng được tăng cường. Giao dịch điện tử thực tế đã được ứng dụng, triển khai rộng rãi ở một số lĩnh vực,...

Bên cạnh đó, Luật mẫu về thương mại điện tử 1996 cũng không đưa ra các lĩnh vực loại trừ cụ thể mà khuyến nghị các quốc gia tự đưa ra các lĩnh vực không áp dụng cho giao dịch điện tử tùy điều kiện mỗi quốc gia. Tuy nhiên, Luật mẫu 1996 vẫn khuyến khích việc mở rộng áp dụng Luật cho tất cả các ngành lĩnh vực.

Vì vậy, Luật sư Hoàng Văn Việt cho rằng, quy định về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo luật cần rõ phạm vi điều chỉnh gồm giao dịch điện tử của tổ chức, cá nhân và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định là phù hợp. Cách thức quy định chỉ nên đưa ra quy định chung, mang tính bao quát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Giao dịch điện tử đảm bảo song hành với tiến trình chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO