Tin tức

Cân nhắc kỹ quy định thủ tục rút gọn các vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thanh Hải 07/04/2023 - 07:16

Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị nên cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định quy trình rút gọn đối với vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

hoi-nghi-dbqh-chuyen-trach.jpg
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến quy định thủ tục rút gọn đối với vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đề cập đến quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp các vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị nên cân nhắc thận trọng việc quy định cứng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được giải quyết theo thủ tục rút gọn trong dự thảo luật. Vì điều này dễ dẫn tới sự không thống nhất giữa Luật Bảo vệ người tiêu dùng với pháp luật về tố tụng. Tại Điều 316, 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định rất rõ về phạm vi và điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án. Vì vậy, dù là vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay là các vụ án khác mà đảm bảo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì đều có thể áp dụng thủ tục rút gọn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc đưa quy định giải quyết vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại vừa thừa, vừa thiếu. Đại biểu băn khoăn, khi đặt cạnh các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, ngoài các quy định về điều kiện áp dụng mà Điều 70 như dự thảo nhắc lại các quy định tại khoản 1 Điều 316 Bộ luật Tố tụng dân sự thì các quy định khác tại khoản 3, khoản 4 về quyết định chuyển vụ án từ thủ tục rút gọn sang giải quyết theo thủ tục thông thường có được áp dụng trong trường hợp này hay không, hay đối với vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì áp dụng giải quyết theo thủ tục rút gọn như ở trong dự thảo luật quy định? Đại biểu nhận thấy, những nội dung này rất dễ gây ra việc áp dụng không thống nhất trong quá trình thực hiện nếu luật được ban hành.

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần tiếp tục rà soát, tổng kết từ các vụ việc thực tiễn, đặc biệt là từ công tác xét xử các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Tòa án nhân dân các cấp, để cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định quy trình rút gọn đối với vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đảm bảo tính khả thi, hạn chế xảy ra các trường hợp bỏ sót các tình tiết quan trọng trong giải quyết vụ án, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác.

Liên quan đến việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp tại Điều 70, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tán thành với phương án của dự thảo là cần quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn ở trong luật này. Đại biểu nhận thấy, dự thảo đã quy định rõ hơn về một số điều kiện được áp dụng thủ tục rút gọn, tuy nhiên quy định vẫn còn khá chung và một số điều kiện cần phải làm rõ thêm.

Dự thảo quy định một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn đó là giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu, tức là 101 triệu là không được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

“Trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ, 100 triệu, 1 tỷ hay 10 tỷ mà phụ thuộc vào tình tiết của vụ án, chứng cứ của vụ án có đầy đủ, rõ ràng hay không và trên thực tế rất nhiều trường hợp giá trị tranh chấp chỉ là vài triệu đồng nhưng tình tiết của vụ án hết sức phức tạp, chứng cứ thì không đầy đủ, không rõ ràng, các bên thì không lập hợp đồng mà thỏa thuận bằng miệng và cho đến nay không thừa nhận các nghĩa vụ đã cam kết cho nên không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp, mặc dù giá trị tranh chấp chỉ vài triệu đồng”, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nêu dẫn chứng.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các điều kiện này. Và hiện nay cả 3 đạo luật tố tụng là Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính đều có thủ tục rút gọn và đều quy định rất cụ thể các điều kiện để được áp dụng thủ tục rút gọn ở trong 3 luật này mà không giao cho các cơ quan hướng dẫn.

Đối với thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trong luật này, đại biểu đề nghị không giao cho các cơ quan hướng dẫn như dự thảo đang đề xuất mà cần phải quy định cụ thể vào trong luật này. Cụ thể, nên thiết kế thành 3 khoản:

Khoản 1 quy định về các điều kiện để được áp dụng thủ tục rút gọn. Hiện nay, dự thảo đang quy định quá chung về việc này và một số điểm không phù hợp. Đại biểu đề nghị khoản 1 quy định cụ thể về các điều kiện được áp dụng thủ tục rút gọn, trên cơ sở kế thừa dự thảo hiện nay và tham khảo Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Khoản 2 quy định quay lại áp dụng thủ tục giải quyết theo thủ tục thông thường, khi quá trình giải quyết vụ án phát sinh những tình huống mới, không còn đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn thì khi đó cần quy định là quay lại thủ tục thông thường và việc này là phải luật quy định.

Khoản 3 chỉ quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, còn căn cứ trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn để giải quyết vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn thì phải được quy định dẫn chiếu để áp dụng sang Bộ luật Tố tụng dân sự thì mới có cơ sở để giải quyết.

Cơ bản đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Bắc Kạn, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tại khoản 2 dự thảo quy định 4 điều kiện để thực hiện vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, trong đó điểm c quy định điều kiện giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không nên đưa các điều kiện này, bởi vì tại điểm b đã quy định điều kiện vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng và đã được Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết.

“Nếu chúng ta quy định như thế này thì có những vụ việc mà giá trị giao dịch hợp đồng trên 100 triệu nhưng thuộc vụ án rất đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì nên áp dụng quy trình rút gọn. Nếu chúng ta quy định cứng như thế này thì rất khó đối với dự án trên 100 triệu đồng”, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh giải thích thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc kỹ quy định thủ tục rút gọn các vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO