Cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước, Bổ sung quy định về xử lý chứng khoán để bảo đảm thi hành án dân sự, Mức phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, Những lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt mới áp dụng từ 1/1/2025... một số chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 1/2025.
Cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ ngày 5/1/2025
Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2024/NĐ-CP ngày 6/11/2024, trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định 102/2022/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, nhập Vụ Dự báo, thống kê và Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính thành Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính. Đồng thời, bổ sung 1 đơn vị là Cục phòng chống rửa tiền. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có cơ cấu tổ chức mới gồm 25 đơn vị.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/1/2025.
Bổ sung quy định về xử lý chứng khoán để bảo đảm thi hành án dân sự
Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2024/NĐ-CP ngày 15/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.
Trong đó, Nghị định số 152/2024/NĐ-CP bổ sung khoản 5 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về việc áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự:
Việc xử lý chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán được thực hiện như sau:
a) Chấp hành viên ra quyết định phong tỏa chứng khoán gửi Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (sau đây được viết tắt là VSDC) và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 67 của Luật Thi hành án dân sự. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Chấp hành viên, VSDC thực hiện phong tỏa chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và gửi thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự và thành viên lưu ký.
b) Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Có hiệu lực từ ngày 5/1/2025, Nghị định số 153/2024/NĐ-CP ngày 21/11/2024 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F = f + C.
Trong đó, phí biến đổi của cơ sở xả khí thải (C) là tổng số phí biến đổi tại mỗi dòng khí thải (Ci) được xác định theo công thức sau: C = ΣCi.
Ci= Ci (Bụi) + Ci (SOx) + Ci (NOx) + Ci (CO)
Đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải, mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4.
Đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải, mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 1 quý là f/4.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/1/2025.
Giá khởi điểm đấu giá biển số xe ô tô là 40 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2024/NĐ-CP ngày 10/12/2024 quy định về đấu giá biển số xe có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Nghị định quy định hình thức đấu giá biển số xe là đấu giá trực tuyến.
Phương thức đấu giá là phương thức trả giá lên.
Giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, ba năm tăng một lần tính từ ngày 1/1/2025, mỗi lần tăng 5 triệu đồng.
Giá khởi điểm của một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá là 5 triệu đồng, ba năm tăng một lần tính từ ngày 1/1/2025, mỗi lần tăng 1 triệu đồng.
Giá khởi điểm của biển số xe có định dạng AAAAA (A>4), ABCDE ( A < B < C < D < E, A>4) đưa ra đấu giá lại sau lần thứ hai là 500 triệu đồng đối với biển số xe ô tô và 50 triệu đồng đối với biển số xe mô tô, xe gắn máy.
Quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
Nghị định số 158/2024/NĐ-CP ngày 8/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo quy định đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì được tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Nghị định quy định điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:
+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng bảo đảm đúng quy định tại khoản 10 Điều 56 Luật Đường bộ;
+ Phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" theo Mẫu số 06 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định này và được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe; phải niêm yết đầy đủ các thông tin khác trên xe theo quy định;
+ Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" là 06 x 20 cm theo Mẫu số 07 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định này. Trường hợp niêm yết bằng thiết bị điện tử phải bảo đảm cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" luôn được bật sáng và có kích thước tối thiểu là 06 x 20 cm.
Chính phủ ban hành Nghị định 160/2024/NĐ-CP về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Nghị định nêu rõ, cơ sở đào tạo lái xe là loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã hoặc cơ sở giáo dục.
Những lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt mới áp dụng từ 1/1/2025
Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo đó, người điều khiển xe ô tô không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; chở người trên xe ô tô không thắt dây đai an toàn (tại vị trí có trang bị dây đai an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông...
Người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng.
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi ngược chiều, đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Chính phủ ban hành Nghị định 176/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Nghị định này quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; nội dung chi, mức chi cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.