(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT). Luật này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Luật là các tổ chức tài chính; Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan; Tổ chức, cá nhân Việt Nam; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Luật; và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi rửa tiền của Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật PCRT và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Các khái niệm liên quan đến PCRT
Theo Luật PCRT, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: các hành vi PCRT được quy định trong Bộ luật hình sự; Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản. Chú ý, khái niệm tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
Liên quan đến các giao dịch thì theo Luật PCRT, giao dịch đáng ngờ là giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm hoặc liên quan tới rửa tiền; giao dịch có giá trị lớn là giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định, được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày.
Danh sách đen trong PCRT là danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan tới khủng bố và tài trợ khủng bố do Bộ Công an chủ trì lập theo quy định của pháp luật. Danh sách cảnh báo là danh sách tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lập nhằm cảnh báo tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền.
Lực lượng đặc nhiệm tài chính là tổ chức liên chính phủ, ban hành các chuẩn mực và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hành động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và những hiểm họa có liên quan khác đe dọa sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu.
Nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền
Việc phòng, chống rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan. Các biện pháp phòng, chống rửa tiền phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời; các hành vi rửa tiền phải được xử lý nghiêm minh.
Chính sách của Nhà nước về PCRT là: Phòng, chống rửa tiền là trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan nhà nước. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống rửa tiền; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống rửa tiền; Ban hành chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền; Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống rửa tiền được Nhà nước khen thưởng.
Các hành vi bị cấm
Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền; Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền; Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền; Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.
Nhận biết khách hàng
Theo Luật PCRT, tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau: a) Khách hàng mở tài khoản hoặc thiết lập giao dịch với tổ chức tài chính; b) Khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn hoặc thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo; c) Có nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; d) Có nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó;
Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau: các khách hàng có giao dịch có giá trị lớn; khi cung cấp dịch vụ môi giới mua, bán và quản lý bất động sản cho khách hàng; trong trường hợp khách hàng có giao dịch mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị lớn bằng tiền mặt; khi thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; quản lý tiền, chứng khoán hoặc các tài sản khác của khách hàng; quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán; điều hành, quản lý hoạt động công ty của khách hàng; tham gia vào hoạt động mua, bán các tổ chức kinh doanh; khi cung ứng các dịch vụ thành lập công ty; cung cấp giám đốc, thư ký giám đốc của doanh nghiệp; cung cấp văn phòng đăng ký, địa chỉ hoặc địa điểm kinh doanh; cung cấp dịch vụ đại diện cho công ty; dịch vụ ủy thác đầu tư; dịch vụ cung cấp người đại diện cho cổ đông.
Thông tin nhận biết khách hàng
Thông tin nhận dạng khách hàng cá nhân là người Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại. Đối với khách hàng cá nhân là người nước ngoài: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở Việt Nam;
Đối với khách hàng là tổ chức: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số điện thoại, số fax; lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông tin về người thành lập, đại diện cho tổ chức
Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về PCRT
NHNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền; Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch về phòng, chống rửa tiền; Tổ chức đầu mối theo quy định của Chính phủ để thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về hành vi rửa tiền cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ về các giao dịch và các thông tin khác theo quy định của Luật này nhằm phục vụ việc phân tích, chuyển giao thông tin về hành vi rửa tiền; Thông báo kịp thời cho cơ quan phòng, chống khủng bố có thẩm quyền thông tin về hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố theo quy định của Luật này và pháp luật về phòng, chống khủng bố; Thanh tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; Hợp tác, trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án liên quan đến rửa tiền; trao đổi thông tin với cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác theo quy định của pháp luật; Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền theo thẩm quyền, làm đầu mối tham gia, triển khai thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách thành viên các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan đề xuất, chủ trì đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế về phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, trợ giúp tài chính và trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, NHNN thực hiện trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác theo quy định của pháp luật; có quyền từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác trong trường hợp cần thiết và theo quy định của pháp luật Việt Nam.