Năm 2022, “siêu” tổng công ty thoái vốn nhà nước thu về gấp 4 lần giá trị sổ sách

Thanh Thanh| 15/01/2023 11:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2022, bán vốn tại 25 doanh nghiệp còn lại, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thu về số tiền 1.358 tỷ đồng, gấp 4 lần giá vốn 337 tỷ đồng.

 

Báo cáo vừa công bố của SCIC cho thấy, trong bối cảnh chung của năm 2022, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, địa phương và nỗ lực tự thân, SCIC đã phấn đấu triển khai hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2022 và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt hoạt động.

Đến ngày 31/12/2022, doanh thu của SCIC đạt 10.694 tỷ đồng, bằng 151% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 135% kế hoạch năm 2022. Trong đó, doanh thu cổ tức đạt 8.216 tỷ đồng, bằng 142% kế hoạch 2022 và bằng 188% cùng kỳ năm 2021; doanh thu bán vốn đạt 1.358 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.836 tỷ đồng, bằng 191% kế hoạch năm 2022.

Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến thời điểm hiện tại, SCIC đã tiếp nhận 10/14 doanh nghiệp theo Quyết định 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng vốn nhà nước là 8.524 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 13.548 tỷ đồng.

Về công tác quản trị doanh nghiệp, hiện danh mục của SCIC bao gồm 119 doanh nghiệp (gồm 114 công ty cổ phần và 5 công ty trách nhiệm hữu hạn), với số vốn nhà nước là 47.831 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ là 166.022 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong điều kiện công tác bán vốn còn gặp nhiều khó khăn do thị trường chứng khoán biến động mạnh và một số vướng mắc về cơ chế bán vốn chưa được tháo gỡ, SCIC đã chủ động đẩy mạnh triển khai công tác bán vốn và thực hiện bán vốn thành công tại 26 doanh nghiệp, trong đó: Bán vốn thành công tại Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID), doanh thu bán vốn là 319 tỷ đồng (không ghi nhận vào doanh thu của SCIC theo quy định tại Thông báo số 281/TB-VPCP). Doanh thu bán vốn tại 25 doanh nghiệp còn lại đạt 1.358 tỷ đồng, trên giá vốn 337 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 1.021 tỷ đồng.

Năm 2022, SCIC cũng “ghi điểm” trong hoạt động đầu tư. SCIC đã triển khai nghiên cứu một số cơ hội đầu tư, như: đầu tư tái cơ cấu Bệnh viện Giao thông vận tải, xây dựng cơ chế sử dụng Quỹ khoa học và Công nghệ, dự án Hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay (bên trong Cảng Hàng không quốc tế Long Thành), dự án Cảng đầu nguồn và hệ thống đường ống cung cấp nhiên liệu tàu bay cho Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, dự án Cảng Cái Mép Hạ, phương án đầu tư mua cổ phần một số ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, SCIC tăng cường tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn của SCIC trong việc triển khai các dự án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc SCIC

Chia sẻ kế hoạch năm 2023, ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, năm 2023 SCIC tập trung chủ yếu vào công tác xây dựng thể chế, chiến lược; tiếp nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; quản trị doanh nghiệp; tái cơ cấu, cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty trong hệ sinh thái của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, từng bước thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư của Chính phủ tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, “siêu” tổng công ty thoái vốn nhà nước thu về gấp 4 lần giá trị sổ sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO