Năm mới và động lực tăng trưởng mới

Nguyễn Đức Lệnh| 07/01/2023 17:06
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bước sang năm mới với tâm thế mới và để chủ động thực hiện tốt các giải pháp về tiền tệ tín dụng và ngân hàng năm 2023 với dự liệu nhiều khó khăn thách thức hơn năm 2022, đòi hỏi quyết tâm lớn hơn, tạo ra những động lực tăng trưởng mới trên cơ sở khai thác tốt nhất các lợi thế nhằm tạo ra sự khác biệt cho tăng trưởng và phát triển của ngành ngân hàng.

Vậy, những động lực tăng trưởng mới là gì?

1. Phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng đối với các đối tượng khách hàng phổ thông, người lao động, nông dân và nhóm người trung niên, cao tuổi. Trước hết là mở và sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán, với dịch vụ dễ dàng thuận lợi nhất: thẻ ngân hàng. Hiện nay, việc sử dụng dịch vụ ngân hàng, nhất là các sản phẩm dịch vụ thanh toán hiện đại hiện nay đối với lớp trẻ, cán bộ nhân viên, công nhân và trí thức tại thành phố đã khá phổ biến. Vì vậy, dư địa để mở rộng thị trường, để tăng trưởng tập trung vào nhóm khách hàng phổ thông, người lao động, nông dân và nhóm người trung niên, cao tuổi nếu phân tích thị trường theo độ tuổi khách hàng và lĩnh vực ngành nghề; địa bàn nông thôn, thành thị, vùng sâu, vùng xa nếu phân tích theo khu vực địa lý. Theo đó, để sử dụng thuận tiện nhất, cũng như phù hợp với mức độ phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu mua bán, thanh toán, cũng như sự phát triển thương mại điện tử… thì việc thu hút khách hang thuộc nhóm này mở tài khoản ngân hàng và sử dụng dịch vụ thẻ cần được ưu tiên hơn so với các dịch vụ ngân hàng điện tử khác, bởi tính phổ biến, dễ sử dụng và cũng tiện lợi. Cách tiếp cận này, nếu được thực hiện tốt, sẽ là nền tảng quan trọng để ngân hàng thu hút và phát triển các dịch vụ thanh toán khác, các dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiện ích hơn cho khách hàng, từ đó tạo hiệu ứng và tác động thúc đẩy mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là động lực để các TCTD tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo dư địa cho tăng trưởng.

2. Cải cách hành chính hơn nữa, với nội hàm ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý, mô hình giao dịch, đổi mới mô hình tăng trưởng…, nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là hiệu quả hoạt động và chi phí thấp nhất. Trên cơ sở đó, thực hiện được nhiều yêu cầu đặt ra cho chính TCTD (về chất lượng tăng trưởng, về dư địa tăng trưởng), cũng như yêu cầu của Chính phủ và NHTW, đó là giảm chi phí hoạt động, làm cơ sở giảm chi phí đầu ra, để giữ ổn định lãi suất hoặc giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

3. Quản trị hiệu quả tài sản có. Trong đó, cần khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, tập trung vốn cho các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, theo định hướng của Chính phủ và của NHTW. Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng cũng như thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện tốt điều này không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho các TCTD mà còn đảm bảo hạn chế những rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

4. Khai thác tốt các yếu tố là động lực tăng trưởng ổn định và bền vững. Ngoài phát triển dịch vụ ngân hàng, như là giải pháp cốt lõi và phải thực hiện hiệu quả để tạo ra sự khác biệt cũng như dư địa cho tăng trưởng, các TCTD cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực gắn với xây dựng văn hóa kinh doanh, mang dấu ấn thương hiệu của mỗi TCTD và yêu cầu chuẩn mực đạo đức kinh doanh của cán bộ ngân hàng, tạo sức mạnh cạnh tranh mềm không giới hạn, vừa thu hút khách hàng, vừa làm động lực tinh thần quan trọng cho sự phát triển của mỗi TCTD. Điều này cũng tạo động lực cho phát triển dịch vụ ngân hàng hiệu quả cho TCTD, với yêu cầu ngày càng cao và cấp thiết về số hóa ngành ngân hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm mới và động lực tăng trưởng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO