Vấn đề - Nhận định

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Cần khai thác thêm những động lực tăng trưởng mới

Tri Nhân (thực hiện) 07/10/2023 10:40

Trước những khó khăn, thách thức nền kinh tế đang phải đối mặt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, để thích ứng với bối cảnh nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường như hiện nay thì ngoài việc củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu, cần khai thác thêm những động lực tăng trưởng mới.

xcdad.png
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Phóng viên: Kinh tế Việt Nam đã đi qua được 3/4 chặng đường của năm 2023. Dưới góc nhìn của nhà điều hành, ông có thể chia sẻ những áp lực mà kinh tế vĩ mô đang gánh chịu?.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Như chúng ta đã biết, kinh tế vĩ mô tháng 9 và 9 tháng năm 2023 cơ bản ổn định và tiếp tục duy trì chuyển biến tích cực, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng nhưng khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào bối cảnh chung toàn cầu, nhất là kết quả tăng trưởng kinh tế và chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế lớn, nên khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn. Tình hình này tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội… ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các khó khăn nội tại cũng tác động đến công tác điều hành vĩ mô như: Doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tác động đến thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2023 giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, cần quan tâm theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới và giá sản xuất, dịch vụ tăng mạnh vào thời điểm cuối năm; thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, cũng cần được theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng ứng phó trong trường hợp cần thiết, nhất là sau vụ việc phá sản của một số doanh nghiệp bất động sản lớn tại Trung Quốc gần đây đã ảnh hưởng lớn đến niềm tin, tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư; điều hành tỷ giá tiếp tục là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng tiếp tục tăng lãi suất và kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt…

Phóng viên: Vậy giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cần được điều hành như thế nào, thưa ông?.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, chúng ta phải theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để có phản ứng chính sách chủ động, kịp thời trước các tình huống phát sinh.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, nhất là trước áp lực tăng giá đồng USD từ bên ngoài. Giữ ổn định thị trường ngoại hối. Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống ngân hàng.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, tăng cường ứng dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả quản lý thu. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, bảo đảm nguồn lực thực hiện các giải pháp thuế, phí... hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.

Giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... phải điều chỉnh theo lộ trình với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tối đa tác động lên lạm phát, tác động tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Tiếp theo là bảo đảm năng lượng, tăng cường quản lý giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, cung ứng đủ điện, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, điện mặt trời mái nhà theo Quy hoạch điện VIII.

Và phải có đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường để có giải pháp sản xuất, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ Tết Nguyên đán 2024.

Phóng viên: Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng nhấn mạnh cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng. Vậy chúng ta cần làm gì, thưa ông?.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tôi cho rằng, chúng ta cần tập trung phát huy tối đa nội lực, khai thác hiệu quả ngoại lực, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

Theo đó, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen.

Tập trung giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thời, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn, trong đó có gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh; phát huy hiệu quả sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản... Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.

Về đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc liên vùng. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc về, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, giải phóng mặt bằng và cung ứng vật liệu như đất, cát, đá…

Giải pháp tiếp nữa là bảo đảm tiến độ công tác quy hoạch, triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch đã ban hành; phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư.

Phóng viên: Với những động lực tăng trưởng mới thì sao, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để thúc đẩy, thưa ông?.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Để thích ứng với bối cảnh nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, ứng phó với các rủi ro thách thức phát sinh nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta cần củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu, đồng thời phải khai thác những động lực tăng trưởng mới.

Để làm được việc đó, đầu tiên vẫn cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình, các phương thức kinh doanh mới. Tiếp đó là đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển doanh nghiệp nội địa, đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao... Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới Hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó cần tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia tới đầu tư, hợp tác, như hợp tác hình thành hệ sinh thái chíp, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao; xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực. Và phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để xây dựng trung tâm nghiên cứu - phát triển, tiến tới thiết kế các sản phẩm chíp, bán dẫn tại Việt Nam...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Cần khai thác thêm những động lực tăng trưởng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO