(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hệ thống tài chính có vững mạnh thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, hỗ trợ phát triển xã hội và đổi mới công nghệ. Ngược lại, sự bất ổn của hệ thống tài chính có thể gây ra những hậu quả nặng nề, kìm hãm, thậm chí kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế.
Toàn cảnh tọa đàm |
Ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức tọa đàm “Kỹ năng phân tích báo cáo ổn định tài chính theo chuẩn quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” trong khuôn khổ Kế hoạch thực hiện năm 2021 của Dự án “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam”.
Tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Vĩnh Hưng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính (NHNN); ông Ketut Ariadi Kusuma - Điều phối viên Khu vực Tài chính; ông Triệu Quốc Việt, Chuyên gia cao cấp Khu vực Tài chính, Trưởng nhóm Dự án; ông Jeans Froncois Bouchard, Chuyên gia tư vấn của WB; đại diện một số đơn vị thuộc NHNN.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính Nguyễn Vĩnh Hưng cho biết, hệ thống tài chính luôn giữ vai trò quan trọng với chức năng chủ yếu là kênh huy động và phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, là khu vực trung gian tài chính quan trọng nhất cung cấp nguồn vốn cho toàn bộ nền kinh tế.
"Hệ thống tài chính có vững mạnh thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, hỗ trợ phát triển xã hội và đổi mới công nghệ. Ngược lại, sự bất ổn của hệ thống tài chính có thể gây ra những hậu quả nặng nề, kìm hãm, thậm chí kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế", ông Nguyễn Vĩnh Hưng nhấn mạnh.
Do tính chất liên kết, sự bất ổn của một định chế tài chính có tầm quan trọng hệ thống cũng có thể gây ra tác động lan truyền rất lớn, gây rủi ro cho cả hệ thống tài chính cũng như sự ổn định của cả nền kinh tế. Điều này khẳng định tầm quan trọng của ổn định hệ thống tài chính đối với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế của từng quốc gia và toàn cầu.
Ông Nguyễn Vĩnh Hưng cho rằng, một trong những bước đầu tiên để đảm bảo ổn định tài chính là thực hiện phân tích, giám sát an toàn vĩ mô thông qua Báo cáo Ổn định tài chính. Theo kinh nghiệm quốc tế, Báo cáo Ổn định tài chính thường là một ấn phẩm chính thức của Ngân hàng Trung ương (NHTW) nhằm nhận diện, cảnh báo rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính và đưa ra các chính sách giảm thiểu các rủi ro hệ thống. "Tại NHNN, Vụ Ổn định Tiền tệ - Tài chính được giao chức năng đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan trong NHNN thực hiện xây dựng Báo cáo Ổn định tài chính thường niên", ông Nguyễn Vĩnh Hưng chia sẻ.
Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật (HTKT) tổng thể dành cho NHNN do WB và SECO hỗ trợ, Vụ Ổn định Tiền tệ - Tài chính đã thực hiện việc đào tạo, tăng cường năng lực, kỹ năng phân tích Báo cáo Ổn định tài chính theo chuẩn quốc tế, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ketut Ariadi Kusuma - Điều phối viên Khu vực Tài chính – chia sẻ, việc phân tích Báo cáo Ổn định tài chính đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì, cải thiện ổn định tài chính, trong khi việc xây dựng và công bố Báo cáo này giúp cho việc thực hiện chính sách ở cấp cơ quan quản lý được xác định dễ dàng.
Cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế mới đây do đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có đối với các chính sách kinh tế, đòi hỏi sử dụng những công cụ chính sách kinh tế đặc biệt, phần lớn chưa được sử dụng trước đó. "Công bố Báo cáo Ổn định tài chính có thể làm giảm đáng kể những bất ổn và biến động trên thị trường", ông Ketut Ariadi Kusuma nhấn mạnh và đánh giá cao chất lượng Báo cáo Ổn định tài chính do Vụ Ổn định Tiền tệ - Tài chính xây dựng và coi đây là nền tảng cơ bản để thực hiện việc công bố.
Thông qua buổi Tọa đàm, NHNN thể hiện mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, các chuyên gia quốc tế, sự hợp tác từ các đơn vị trong NHNN trong lĩnh vực ổn định tiền tệ, tài chính để cùng xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.