Thị trường

Nga và Ả Rập Xê-út thắt chặt nguồn cung, giá dầu neo ở mức cao

Q.L 06/09/2023 - 09:02

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chỉ số hàng hoá MXV-Index biến động không đáng kể, chốt ở mức 2.297 điểm trong ngày 4/9, khi một loạt các mặt hàng trên các Sở giao dịch ICE-US đóng cửa nghỉ lễ.

p-638295032059972705.png

Thị trường kim loại gặp sức ép

Đối với nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đồng loạt giảm giá. Giá bạc dẫn dắt xu hướng nhóm với mức giảm trên 1%. Giá bạch kim giảm xuống 960 USD/ounce sau khi để mất 0,9%, trong khi giá vàng gần như không thay đổi, chỉ giảm nhẹ 0,03% chốt phiên tại mức 1.938 USD/ounce. 

MXV cho biết, dòng tiền rút bớt khỏi thị trường kim loại quý do lo ngại lãi suất có thể vẫn tăng cao trên toàn cầu. Vào cuối tuần trước, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã cảnh báo rằng, lãi suất và lạm phát cao có thể hạn chế tăng trưởng kinh tế toàn cầu (báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu giai đoạn 2023 – 2024 số tháng 8 của Moody’s).

Đáng chú ý, theo bà Marie Diron, Giám đốc điều hành bộ phận xếp hạng tại Moody’s, mặc dù các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã cố gắng chèo lái nền kinh tế toàn cầu và kiềm chế lạm phát tăng cao bằng cách tăng lãi suất nhưng rủi ro lạm phát vẫn còn tiềm ẩn.  

Do đó, trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng trung ương có thể cần duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong một thời gian dài để hạn chế lạm phát. Lo ngại về lãi suất tăng cao làm tăng chi phí cơ hội của tài sản trú ẩn kim loại quý và gây áp lực đến giá. 

p-638295033413742660.png

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 0,49%. Trong phiên sáng ngày 4/9, mặt hàng này giằng co đi ngang do thị trường thiếu vắng thông tin cơ bản mới. Tuy nhiên, giá giảm trở lại trong phiên chiều do thị trường lo ngại về nhu cầu tại nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc vẫn chưa phục hồi, trong khi nguồn cung được duy trì ổn định.  

Theo số liệu của Ủy ban đồng Cochilco của Chile - quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, tổng sản lượng đồng tại nước này đạt 430.900 tấn trong tháng 7/2023, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, tồn kho đồng liên tục tăng tại Sở giao dịch kim loại London (LME). Hiện tại, dự trữ đồng trong kho LME ở mức 107.425 tấn, gần gấp đôi so với mức tồn kho hồi giữa tháng 7/2023 và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. 

Trái lại, trên thị trường quặng sắt, sắt thép vốn là mặt hàng nhạy cảm hơn với các kích thích kinh tế của Trung Quốc, do đó, việc các nhà hoạch định chính sách tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ mới đã giúp thúc đẩy giá quặng sắt tăng 0,17% lên 107,08 USD/tấn. 

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) công bố kế hoạch thành lập Cục Phát triển kinh tế tư nhân Trung Quốc để giúp đỡ các doanh nghiệp tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng (theo Bloomberg đưa tin ngày 4/9). 

Nguồn cung thắt chặt hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao

Chốt ngày giao dịch 4/9, giá dầu tiếp tục tăng khi yếu tố nguồn cung vẫn đang là nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá. Các nước xuất khẩu dầu hàng đầu bao gồm Ả Rập Xê-út và Nga nhiều khả năng tiếp tục thắt chặt sản lượng, nỗ lực đẩy giá tăng cao. Đóng cửa, dầu Brent tăng 0,51% lên 89 USD/thùng. 

MXV cho biết, lo ngại lớn nhất vẫn là việc gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10 của nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Ả Rập Xê-út, và thông báo cắt giảm thêm xuất khẩu dầu từ Nga.  

p-638295033603385075.png

Tại Hội nghị APEC kéo dài 3 ngày ở Singapore (bắt đầu từ ngày 4/9), nhiều chuyên gia cho biết thị trường dầu vẫn còn khả năng thắt chặt. Cụ thể, một quan chức cấp cao của công ty kinh doanh hàng hoá toàn cầu Trafigura nói rằng, vùng giá hợp lý của dầu thô là từ 72 – 88 USD/thùng, đồng thời nhấn mạnh rủi ro tăng giá. 

Các nhà phân tích khác cho biết, các kho dự trữ của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay và có thể sẽ giảm hơn nữa do nhu cầu kỷ lục và nguồn cung eo hẹp. Giá dầu ngắn hạn của Mỹ cũng đang cao hơn giá dầu kỳ hạn, càng thúc đẩy việc rút dầu từ kho dự trữ. Giá dầu Mỹ giao vào tháng 10 gần đây được giao dịch cao hơn khoảng 6 USD/thùng so với giá giao sau 12 tháng. 

Ngoài ra, các nhà phân tích của hãng tin Reuters cho biết nguồn cung nhiên liệu có thể bị ảnh hưởng khi nhu cầu sưởi ấm tại Mỹ tăng cao trong mùa đông này. Trong khi đó, dự trữ nhiên liệu chưng cất của Mỹ đạt mức thấp bất thường sau khi OPEC+ cắt giảm nguồn cung dầu thô và nhu cầu cao hơn từ châu Âu. 

Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, tính đến cuối tháng 8 thấp hơn khoảng 15% so với mức trung bình 5 năm cùng thời điểm, ở mức dưới 118 triệu thùng, đảm bảo cho nguồn cung mức 31 ngày. 

Sự gia tăng nguồn cung từ một số quốc gia sản xuất khác được cho là sẽ không đủ bù đắp cho sự thiếu hụt trên thị trường trong thời gian tới.

Theo hãng tin Bloomberg, hoạt động xuất khẩu của Iran hiện đang ở mức gần 2 triệu thùng/ngày, tương đương công suất của nước này. Mặc dù Iran có thể tăng cường xuất khẩu trở lại khi nhu cầu hồi phục, nhưng các nhà phân tích nhận định khối lượng sẽ khó có thể cao hơn mức hiện tại. Do đó, nguy cơ nguồn cung thắt chặt vẫn là động lực hỗ trợ giá dầu trong ngày hôm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nga và Ả Rập Xê-út thắt chặt nguồn cung, giá dầu neo ở mức cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO