Pháp luật - Nghiệp vụ

Ngân hàng cảnh báo các chiêu trò tội phạm hay dùng để lừa đảo khách hàng

Thảo Linh 17/07/2023 18:30

Vừa qua, các ngân hàng đã liên tục đưa ra những cảnh báo về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến với khách hàng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng để khách hàng biết và tránh bị “mắc bẫy”.

Các “chiêu trò” lừa đảo phổ biến

Lừa đảo, gian lận trong lĩnh vực ngân hàng đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với hầu hết các quốc gia trên toàn cầu và gây ra những thiệt hại đáng kể về tài chính và phi tài chính cho ngân hàng, khách hàng, các bên liên quan khác và nền kinh tế.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản giờ đây không chỉ thông qua các hành vi vay, mượn tiền, tài sản hay lôi kéo, dẫn dụ thuê mướn để sử dụng thông tin, giấy tờ cá nhân đăng ký mở tài khoản ngân hàng đơn thuần mà đã biến tướng dưới nhiều dạng hành vi khác phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt là thông qua mạng xã hội.

Để gia tăng sự cảnh giác về mối đe dọa đối với khách hàng, người sử dụng cần hiểu về những hình thức lừa đảo phổ biến. Một số chiêu thức lừa đảo phổ biến hiện nay bao gồm: Lừa đảo mạo danh; Lừa đảo thông qua các ứng dụng di động, đường link giả mạo; Thư điện tử giả mạo; Chiêu thức chuyển khoản nhầm; Tin nhắn mạo danh; Giả danh công ty tài chính; Chiêu chiếm đoạt sim điện thoại; Sử dụng virus tấn công máy tính…

Không chỉ có vậy, thời gian gần đây, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn khi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - Deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo đó, các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake giả danh hình ảnh và giọng nói để giả mạo cán bộ cơ quan Nhà nước (công an, cơ quan thuế, tòa án, …) hoặc người quen của nạn nhân để gọi video call với nạn nhân, từ đó khai thác, thu thập các thông tin cá nhân của nạn nhân nhằm mục đích lừa đảo tài chính.

Với chiêu thức mới vô cùng tinh vi này, rất nhiều người đã vô tình sập bẫy.

Liệt kê thì nhiều, nhưng điểm chung của tất cả các cuộc tấn công ấy là đánh cắp thông tin xác thực tài khoản của khách hàng, chiếm đoạt tài sản thông qua các chiêu thức lừa đảo hoặc sử dụng các phần mềm độc hại.

Hàng loạt khách hàng “mắc bẫy” kẻ gian

Mặc dù các cơ quan chức năng, báo chí và truyền hình liên tục có thông tin cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người dân bị các đối tượng tội phạm sử dụng mạng xã hội, điện thoại, giả danh cơ quan pháp luật, giả nhân viên ngân hàng, sàn giao dịch ảo, tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng, thậm chí dựng lên các vụ giả “con cấp cứu”… để lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tiến bộ công nghệ, khai thác đánh vào điểm yếu nhất - đó là con người, áp dụng nhiều biện pháp tác động để thao túng tâm lý rồi dẫn dắt nạn nhân theo kịch bản của chúng.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, thời gian qua, các hình thức lừa đảo trên mạng, qua điện thoại liên tục gia tăng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm đến lừa đảo đầu tư… với mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tài sản của người dân.

Vừa qua, cán bộ Ngân hàng Lienvietpostbank chi nhánh Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời ngăn chặn, giúp khách hàng tránh được một vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn sau khi khách hàng này liên tục bị một đối tượng tự xưng là cán bộ công an gọi điện thoại dọa dẫm, yêu cầu phải chuyển tiền để minh oan cho một vụ án có liên quan (trên thực tế khách hàng này không liên quan gì).

Không may mắn như trường hợp trên, một người phụ nữ ở quận Ba Đình, Hà Nội đã chuyển hơn 400 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo do sập bẫy thủ đoạn tuyển cộng tác viên nghe nhạc để tăng lượt view, lượt like cho ca sĩ.

Cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không…

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, mức độ tinh vi của chiêu lừa đã tăng lên rất nhiều so với trước đây. Trong đó, những phương thức lừa đảo trực tuyến đang ngày càng phổ biến hơn. Nhờ sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ cao cũng như việc sử dụng rộng rãi của Internet, các đối tượng càng dễ dàng tiếp cận và thực hiện các hành vi lừa đảo với thủ đoạn tinh vi mà bản chất của lừa đảo trực tuyến sẽ liên tục thay đổi theo sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Việc ngăn chặn tội phạm lừa đảo đã khó, mà nay việc ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng lại càng khó hơn và thực sự là một cuộc chiến trường kỳ, liên tục.

Trước vấn đề này, hàng loạt các ngân hàng đã đưa khuyến cáo khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua email, tin nhắn SMS… với những nội dung chủ yếu sau:

Hết sức cảnh giác với các yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin số thẻ, ba số bảo mật ở mặt sau của thẻ tín dụng hoặc bất kỳ thông tin bảo mật cá nhân nào khác qua Zalo hoặc số điện thoại không định danh.

Để bảo vệ máy tính không bị tấn công bởi virus và các phần mềm độc hại hiện đang trở nên quá phổ biến, khách hàng có thể đầu tư vào một phần mềm chống virus.

Bên cạnh đó, khách hàng luôn xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền (qua điện thoại hoặc trực tiếp); cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội, dù người yêu cầu tự xưng là người thân, bạn bè;

Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking… và nên đặt mật khẩu các dịch vụ ngân hàng điện tử khó đoán, tính bảo mật cao (tránh đặt ngày sinh, tên người thân, số điện thoại…); không lưu tự động thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử trên bất cứ máy tính và trình duyệt web nào; không đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch mua bán hàng trực tuyến.

Quan trọng, khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã xác thực OTP/Smart OTP cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng.

Khi có bất kỳ nghi vấn lừa đảo, khách hàng liên hệ ngay và thông báo cho ngân hàng theo số đường dây nóng hoặc đến điểm giao dịch gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia, nguyên tắc số 1 mà người dùng mạng xã hội cần luôn ghi nhớ thực hiện là: Nghi ngờ với mọi thông tin yêu cầu (cài phần mềm, đăng nhập vào website, cung cấp thông tin, chuyển tiền…) trên mạng. Với tất cả các thông tin nhờ chuyển tiền, vay tiền, bình chọn... đều cần phải xác minh lại qua một kênh độc lập như điện thoại thường. Ngoài ra, không nên truy cập vào các địa chỉ website lạ, không cài đặt các phần mềm lạ không rõ nguồn gốc, những phần mềm đòi hỏi yêu cầu cấp quyền truy cập cao vào thông tin người dùng, truy cập thẻ nhớ, danh bạ, vị trí, chụp ảnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng cảnh báo các chiêu trò tội phạm hay dùng để lừa đảo khách hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO