(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với đặc thù là tổ chức trung gian tài chính, hoạt động ngân hàng luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Từ nhận thức đó, ngành Ngân hàng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để sớm phát hiện, ngăn chặn các vụ việc sử dụng giấy tờ giả chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.
Bên cạnh những quy định chung của ngành, các ngân hàng đều đã ban hành hàng loạt quy định, quy trình nội bộ chặt chẽ để đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh. Dẫu vậy, vẫn có những trường hợp không may xảy ra. Trong trường hợp này, sự chủ động vào cuộc, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật của các ngân hàng đã giúp ngăn chặn hành vi vi phạm, giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Chẳng hạn, vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, đề nghị truy tố 9 bị can về các tội “Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng”; “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong vụ việc này, ngân hàng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện, ngăn chặn và đưa hành vi vi phạm ra pháp luật.
Được biết, vào cuối năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án về các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Mua bán công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”…
Các vụ án đều có phương thức, thủ đoạn chung là sử dụng giấy tờ, con dấu, tài liệu giả để thực hiện các giao dịch ngân hàng hoặc cấu kết thông đồng với nhân viên ngân hàng thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Mua bán công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng”, “Sử dụng tài liệu, con dấu giả” xảy ra tại một ngân hàng có chi nhánh tại Phú Thọ vào tháng 11/2019, các bị can đã cấu kết với nhóm nhân viên để mua thông tin tài khoản khách hàng mở tại ngân hàng.
Cụ thể, Nguyễn Lê Thanh Tú (trú tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) đã câu kết với Đoàn Lê Trí Viễn và nhóm đối tượng khác là nhân viên các ngân hàng thương mại tại TP. Hồ Chí Minh mua thông tin của 54 tài khoản khách hàng mở tại các ngân hàng với số tiền 742.000.000 đồng. Thông tin tài khoản bao gồm tên doanh nghiệp, địa chỉ, mã số thuế, số tài khoản, mẫu dấu, mẫu chữ ký của người đại diện và kế toán các doanh nghiệp.
Bằng việc dùng “user cá nhân” được cấp, các đối tượng đã truy cập vào mạng nội bộ bằng máy tính để tra cứu thông tin tài khoản của các doanh nghiệp (thường là doanh nghiệp các đối tượng xác định có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn) rồi dùng điện thoại di động chụp lại màn hình máy tính gửi cho Tú và Viễn qua mạng xã hội “Telegram”.
Sau khi được cung cấp thông tin về doanh nghiệp, các đối tượng đặt mua các giấy giới thiệu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, con dấu giả qua mạng internet, làm ra các ủy nhiệm chi, đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking…, mang tên doanh nghiệp để mở tài khoản cá nhân tại ngân hàng, đăng ký bổ sung số điện thoại vấn tin báo số dư tài khoản của doanh nghiệp và sử dụng giấy giới thiệu, ủy nhiệm chi giả để làm thủ tục chuyển khoản tiền qua hệ thống ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ chứng minh nhóm đối tượng trên chiếm đoạt được số tiền hơn 3,1 tỷ đồng và ra quyết định khởi tố 5 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 4 bị can về tội “Mua bán công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng” trong đó có 3 bị can là nhân viên của các ngân hàng và 3 bị can về tội “ Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Theo ý kiến một chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống tội phạm kinh tế, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng là lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý, bảo mật thông tin khách hàng để thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, việc quản lý trong một số tổ chức tín dụng còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc cán bộ, nhân viên không có chức năng nhưng vẫn có thể sử dụng “User cá nhân” để truy cập vào mạng nội bộ lấy thông tin của khách hàng trong toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, đôi khi việc giao chỉ tiêu mở tài khoản cá nhân mà thiếu những biện pháp kiểm tra, kiểm soát cũng dẫn đến việc các đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân giả để mở tài khoản.
Cá biệt, có trường hợp một cá nhân cùng lúc sử dụng nhiều giấy tờ tùy thân mở nhiều tài khoản mang tên khác nhau hoặc sử dụng giấy giới thiệu giả, chứng minh nhân dân giả để làm thủ tục đăng ký thêm dịch vụ SMS Banking nhằm theo dõi biến động tài khoản.
Để hạn chế các vụ việc không mong muốn như nêu trên, theo ý kiến chuyên gia cần nghiên cứu bổ sung những quy định, quy trình kiểm tra tính xác thực về nhân thân khách hàng khi mở tài khoản và thực hiện các giao dịch để hạn chế hoặc phát hiện xử lý kịp thời những trường hợp sử dụng giấy tờ tùy thân giả; tiếp tục tăng cường bảo mật thông tin khách hàng nhằm hạn chế việc lộ, lọt thông tin và phòng ngừa sai phạm của nhân viên các ngân hàng thương mại.
Đồng thời, bổ sung cơ chế phối hợp cho việc phong tỏa tài khoản hoặc tạm dừng hoạt động tài khoản của khách hàng giữa các hệ thống các ngân hàng thương mại khi phát hiện trong giao dịch có hành vi vi phạm pháp luật để kịp thời ngăn chặn không để xảy ra hậu quả.
Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục rà soát, bổ sung quy định, quy trình trong kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tăng cường giáo dục, quản lý nhân viên tránh rủi ro pháp lý, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an ninh, an toàn. Việc thường xuyên cập nhật các thông tin về thủ đoạn hoạt động của tội phạm cũng sẽ giúp kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi tội phạm.
Cùng đó, rủi ro đạo đức cán bộ, nhân viên ngân hàng phải được đặc biệt quan tâm. Thường xuyên và liên tục đặt yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ nhân viên trong ngân hàng mình.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm.