Sau phiên có dòng tiền lan tỏa tới các cổ phiếu Midcap và Smallcap, thị trường có chuyển biến đáng chú ý khi ngân hàng cùng bị bán ra khá mạnh. Một số mã SHB, STB thậm chí có sự nhảy vọt về giá trị giao dịch.
Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á vẫn ghi nhận sự điều chỉnh mạnh của thị trường Trung Quốc với SHCMP (-1,48%), SZI (-1,95%), HSI (-1,39%) tiếp tục mất trên 1%.
Tâm lý chưa ổn định tại các chỉ số này vẫn khiến cho một số thị trường khu vực như TWSE (-0,8%), KOSPI (-0,07%), SET (-0,59%) gặp cản trở trong nỗ lực đi lên. Chỉ có thị trường mạnh nhất khu vực là Nhật Bản mới thoát được tác động với phiên tăng 0,61%.
Trong phiên hôm nay (ngày 31/1), thị trường Việt Nam cũng không tránh được hiệu ứng giảm chung với phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2023.
Chất xúc tác
Dù ở phiên hôm qua, thị trường có sự lan tỏa tới các nhóm ngành nhưng thực tế, HOSE vẫn có 6 phiên liên tiếp giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên. Trạng thái này rất khó đảm bảo cho dòng tiền có tự tin trụ lại trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết ngày một đến gần.
Đến phiên hôm nay, hoạt động chốt lời của các cổ phiếu ngân hàng lại càng dễ làm lung lay tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Quy mô khớp lệnh của HOSE đạt tăng tới 81,4% so với phiên hôm qua, đạt 1.023 triệu đơn vị còn các mã SHB, STB ngoài việc bị bán ròng thì cũng giao dịch đột biến trên 1.000 tỷ đồng.
Tín hiệu gần như rất khác với diễn biến đã diễn ra trong các phiên vừa qua. Dù cho sóng ngân hàng có thể chưa chấm dứt nhưng sự nhảy vọt về thanh khoản sẽ là lời cảnh báo tới nhà đầu tư.
Trong khi đó, có thể khẳng định, tiền ngoại hoàn toàn "vô tội" khi khối này gần như không thay đổi đáng kể hành vi giao dịch. Đóng góp 2 chiều của nhà đầu tư ngoại còn giảm khá mạnh xuống còn 7,6%. Đồng thời, họ cũng mua ròng trên HOSE với giá trị ròng gần 120 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Thị trường cũng đã có những nỗ lực triệt tiêu bớt đi ảnh hưởng của ngân hàng nhưng các mã như SSI (+0,73%), FPT (+0,1%), VNM (+0,1%) thực tế đều không đủ năng lực để cân bằng lại áp lực.
Các mã VCB (-2,7%), STB (-2,6%), TPB (-2,5%), SHB (-5,7%), CTG (-1,9%), TCB (-1,8%), MBB (-1,6%), BID (-1,5%), VPB (-1,5%) đều là những cổ phiếu có vốn hóa rất lớn.
Quy mô giao dịch của các mã ngân hàng cũng là rất đáng chú ý với SHB, STB giao dịch trên 1.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau đúng SSI (1.557 tỷ đồng).
Rổ VN30 có tới 26/30 mã giảm giá trong khi toàn thị trường chung ghi nhận tới 71% mã giảm giá. Những cổ phiếu ngành bán lẻ, đầu tư công, phân bón, bất động sản, cảng biển, khu công nghiệp, thép đều bị cuốn theo đà giảm của ngân hàng với MWG (-0,88%), CTD (-2,32%), DCM (-1,4%), PDR (-1,58%), GMD (-2,01%), HAH (-2,11%), GVR (-2,4%), NKG (-3,2%), HSG (-1,08%)…
Với trạng thái này, thị trường sẽ trở nên rủi ro hơn nếu như ngân hàng không tự cân bằng trở lại hoặc không có sự chia sẻ gánh nặng từ nhóm khác. VN-Index đã bị kéo xuống dưới đường MA20 với phiên giảm 15,34 điểm xuống 1.164,31 điểm (-1,3%). Thanh khoản đạt 1.120,9 triệu đơn vị, tương đương 23.314 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,65% xuống 229,18 điểm. Thanh khoản đạt 98,35 triệu đơn vị, tương đương 1.852 tỷ đồng. Còn UPCoM-Index giảm 0,19% xuống 87,69 điểm, thanh khoản đạt 114,23 triệu đơn vị, tương đương 1.979 tỷ đồng.