Vấn đề - Nhận định

Ngân hàng 'đua' nhau ra mắt thẻ tín dụng nhằm kích cầu chi tiêu

Hải Yên 09/07/2024 - 10:02

Đẩy mạnh doanh thu bán lẻ, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng liên tục ra mắt nhiều loại thẻ tín dụng mới có tính xu hướng cá nhân hóa, kèm theo đó là hàng loạt các chương trình ưu đãi “cash back” – hoàn tiền từ 5 đến 15% khi mua sắm, đóng tiền bảo hiểm, y tế, du lịch…

Hàng loạt thẻ tín dụng mới “chào sân”

Đầu tháng 7, Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) đã cho ra mắt thẻ tín dụng HSBC Live+ với ưu đãi giảm giá 15% tại nhiều nhà hàng châu Á, bên cạnh mức hoàn tiền nâng cấp lên đến 8% cho các chi tiêu thuộc nhóm ăn uống, mua sắm, giải trí… Đáng chú ý, thẻ tín dụng này được thiết kế nhắm vào phân khúc khách hàng khá giả mới nổi, thích dịch chuyển và thích trải nghiệm cuộc sống chất lượng, sang trọng.

Chú thích ảnh
Các ngân hàng 'đua' nhau ra mắt thẻ tín dụng mới được cá nhân hóa và áp dụng nhiều chương trình ưu đãi khi sử dụng chi tiêu.

Cũng hướng tới dòng khách thích chi tiêu mua sắm, tháng 4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ra mắt dòng thẻ VPBank Flex, tích hợp thẻ ghi nợ (debit card) và thẻ tín dụng (credit card) trên một thẻ vật lý duy nhất. Thêm vào đó, thẻ tín dụng này còn mang lại cho khách hàng chương trình tích điểm được cá nhân hóa theo nhu cầu, sở thích, với mức tích điểm tối đa lên tới 1,2 triệu đồng mỗi tháng, tương đương mức tích điểm lên tới 15% cùng với hàng loạt ưu đãi mà VPBank đã thiết kế sẵn.

Với phân khúc Millennials, VPBank ra mắt nhiều dòng thẻ tín dụng như StepUp ưu đãi hoàn tiền lên đến 15% cho chi tiêu trực tuyến; thẻ đồng thương hiệu VPBank Shopee cung cấp mã miễn phí vận chuyển quanh năm và hoàn tiền lên đến 10% tại Shopee; thẻ Lady Mastercard với bộ sưu tập 12 mẫu thẻ theo 3 chủ đề, ưu đãi hoàn tiền lên đến 15% cho các nhóm chi tiêu thiết yếu dành cho phụ nữ. Đối với thế hệ Gen Z, VPBank JCB Z được thiết kế với ưu đãi hoàn tiền 10% cho ăn uống, giải trí, di chuyển….

Tương tự, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng vừa ra mắt bộ thẻ tín dụng mới: JCB Sense, Visa inStyle, JCB Discovery, Visa Joy, JCB Cheer với nhiều ưu đãi hoàn tiền, miễn lãi... Đại diện ngân hàng cho biết, bộ thẻ tín dụng mới có hình ảnh hiện đại, tên gọi gần gũi, phù hợp với nhu cầu và sở thích của từng nhóm khách hàng. Không chỉ thế, BVBank còn bổ sung thêm nhiều tính năng như hoàn tiền, miễn phí thường niên, miễn lãi 55 ngày... tương ứng theo từng dòng thẻ.

Trong đó, JCB Sense và Visa inStyle là dòng cao cấp, hướng đến người yêu thích những trải nghiệm về ẩm thực và phong cách sống. Khách hàng được miễn phí thường niên, hoàn tiền đến 3,6 triệu đồng/năm khi mua sắm, ăn uống trong nước và quốc tế.

Cũng nằm trong dòng cao cấp Platinum, JCB Discovery dành riêng cho tín đồ du lịch. Sản phẩm này tạo cạnh tranh nhờ miễn phí chuyển đổi ngoại tệ và tích điểm trong mọi chi tiêu. Còn Visa Joy và JCB Cheer mang thiết kế hiện đại, trẻ trung, với đặc điểm nổi bật là miễn phí thường niên và tích lũy điểm thưởng với mọi giao dịch chi tiêu.

Chú thích ảnh
Các dòng thẻ tín dụng mới hướng đến phân khúc người khá giả mới nổi, thích dịch chuyển và mua sắm.

Bên cạnh ra mắt các thẻ tín dụng mới phù hợp với từng nhóm đối tượng, các ngân hàng còn tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi cho những khách hàng đang sở hữu thẻ tín dụng hiện tại. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) dành tặng chủ thẻ NCB Visa mã giảm giá đến 50%, tối đa 20.000 đồng khi di chuyển bằng xe Xanh SM. Nếu đặt xe Xanh SM đến chi nhánh của NCB thì còn được tặng thêm 4 mã giảm 25%, tối đa 25.000 đồng khi thanh toán bằng thẻ NCB Visa. Với khách hàng mở thẻ tín dụng mới, ngân hàng sẽ được hoàn tiền mọi chi tiêu tới 880.000 đồng hay khách hàng mua hàng trả góp bằng thẻ tín dụng NCB Visa sẽ được giảm 30% phí chuyển đổi giao dịch trả góp và hưởng lãi suất ưu đãi 0%...

Chủ thẻ tín dụng VIB thì sẽ được hoàn tiền đến 24 triệu đồng mỗi năm khi thanh toán cho giao dịch mua sắm qua Cash Back; Super Card hoàn linh hoạt 15% trên danh mục chi tiêu cố định; Rewards Unlimited mang đến ưu đãi tích điểm đổi quà khi chi tiêu tại các siêu thị và trung tâm mua sắm; LazCard hoàn 6% giao dịch chi tiêu tại Lazada và 3% ở các sàn thương mại điện tử khác…

Với những tín đồ đam mê dịch chuyển, du lịch nước ngoài thì VIB có 4 dòng thẻ tín dụng ưu đãi, gồm VIB Travel Élite có phí chuyển đổi ngoại tệ 0% trong 3 tháng đầu mở thẻ và chỉ 1% cho các tháng sau; Premier Boundless tặng dặm thưởng khi bay cùng Vietnam Airlines, nâng hạng thành viên Bông Sen Vàng và trải nghiệm phòng chờ thương gia tại hơn 1.000 sân bay trên khắp thế giới; Super Card hoàn 10% chi tiêu nước ngoài; Online Plus 2in1 hoàn 6% chi tiêu trực tuyến tại nước ngoài.

Thẻ tín dụng - Thị trường bán lẻ “béo bở”

Theo Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng mạnh.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng không thể thiếu sự đóng góp kích cầu của các ngân hàng. Thực tế, xu hướng chi tiêu trước, trả tiền sau qua thẻ tín dụng đang ngày càng phổ biến. Nếu khéo léo kết hợp khuyến mãi từ các nhãn hàng cùng ưu đãi từ thẻ tín dụng, người tiêu dùng không chỉ có thể tiết kiệm được một khoản chi tiêu đáng kể mà ngay cả các ngân hàng cũng được hưởng lợi. Vì thế, đây được xem là thị trường “béo bở” để ngân hàng kích cầu người dân đẩy mạnh chi tiêu, từ đó gia tăng doanh thu từ bán lẻ.

Chú thích ảnh
Việc áp dụng nhiều khuyến mãi, hoàn tiền cao một mặt kích thích chi tiêu, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, mặt khác là cơ hội để ngân hàng đẩy mạnh thanh khoản tín dụng.

Thống kê mới nhất của Vụ Thanh toán ngân hàng nhà nước (NHNN), 4 tháng đầu năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có mức tăng trưởng khá ấn tượng ở mức trên 50%. Cụ thể, TTKDTM tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị so với cùng kỳ 2023. Giao dịch qua kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị. Trong khi đó, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường thẻ tín dụng, ông Taylan Turan, Giám đốc Dịch vụ ngân hàng bán lẻ HSBC cho biết: “Ở Việt Nam, thẻ thanh toán đang ngày càng sử dụng phổ biến do Chính phủ có nhiều sáng kiến khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Với thuận lợi này, chúng tôi kỳ vọng số lượng giao dịch dùng thẻ sẽ tăng lên 1,7 tỷ vào năm 2027. Với kỳ vọng này, triển vọng của mảng cho vay không đảm bảo ở Việt Nam cũng nhiều hứa hẹn”.

Điều đáng nói, khác với những năm trước đây, các ngân hàng phần lớn ra mắt thẻ tín dụng tập trung vào phân khúc tầm trung, thì nay hầu hết các ngân hàng đều ra mắt thẻ tín dụng cho phân khúc người khá giả mới nổi và hạng sang. Theo đó, các dòng thẻ đều có mức “cash back” cao với điều kiện chi tiêu cao.

Cụ thể, với thẻ NCB Visa, khách hàng muốn hoàn được 880.000 đồng phải là hạng thẻ Platinum, tổng chi tiêu đạt 8.800.000 đồng trong vòng 45 ngày đầu tiên kể từ ngày phát hành thẻ. Với hạng thẻ Classic và Gold, mức hoàn là 660.000 đồng áp dụng cho tổng chi tiêu từ 6.600.000 đồng.

Với thẻ VPBank Mastercard, khách hàng muốn hoàn 15% phải chi tiêu trên 15 triệu đồng/tháng và mức hoàn tối đa 300.000 đồng; dưới 15 triệu đồng, mức hoàn tối đa là 150.000 đồng. Chưa kể, mức lãi suất trả chậm của thẻ tín dụng cũng rất cao. Cụ thể, nếu khách hàng trả không đúng thời hạn sẽ bị lãi suất phạt 5%/tháng; khách hàng trả chậm tối thiểu hoặc trả không hết tiền nợ chi tiêu trong sao kê thẻ sẽ bị lãi suất 3%/tháng trên tổng số tiền đã sử dụng (không phải số tiền còn lại sau khi đã trả một phần trong tháng sao kê đó), với mức lãi suất tối thiểu là 100.000 đồng và tối đa là 900.000 đồng.

Chị Lan Phương (ngụ tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh), chủ thẻ tín dụng VPBank Lady tính toán: “Như vậy, nếu tính cả năm thì lãi suất của ngân hàng này lên đến 36%/năm. Ngoài ra, chỉ có người chi tiêu trên 100 triệu đồng/tháng mới có lợi khi trả chậm vì lãi suất 3% được giới hạn tối đa là 900.000 đồng. Nếu những người chi tiêu thấp, không biết sử dụng thẻ tín dụng đúng cách sẽ dễ bị trả lãi suất cao nếu trả tối thiểu sao kê. Ví dụ, trong kỳ sao kê đó chi tiêu 20 triệu đồng nhưng trả trước 10 triệu đồng, dù còn nợ thẻ 10 triệu đồng nhưng lãi suất phải trả là đến 600.000 đồng cho cả khoản tiêu 20 triệu đồng”.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia khuyến cáo nên đọc kỹ biểu phí, thời gian sao kê và cách tính lãi, phí... để không bị gánh nặng trả nợ thẻ tín dụng.

Theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, việc các ngân hàng đưa ra mức hoàn phí, giảm và ưu đãi rất cao, nghe rất hấp dẫn nhưng kèm sau đó luôn có có điều kiện mà ít tư vấn viên nhắc đến khi tư vấn làm thẻ cho khách hàng, trừ khi khách hàng biết hoặc quan tâm hỏi đến. Do đó, nếu khách hàng mới chưa từng sở hữu thẻ tín dụng hoặc không hỏi kỹ lãi suất, điều kiện ưu đãi kèm theo của các ngân hàng sẽ khó hưởng được lợi ích như ngân hàng công bố, không những thế còn dễ mắc “bẫy” lãi suất ngân hàng, dẫn đến áp lực gánh nặng trả nợ thẻ tín dụng.

Bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Tiểu ban chính sách Chi hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cũng khuyến nghị: Khách hàng phải nghiên cứu kỹ quy định sử dụng, quy định về tính lãi, phí, trách nhiệm liên quan. Bên cạnh hợp đồng sử dụng thẻ, khách hàng cần tìm hiểu kỹ biểu phí, cách tính lãi cho thẻ. Định kỳ hàng tháng, ngân hàng gửi thông báo sao kê, số dư nợ phát sinh, số tiền tối thiểu thanh toán tới khách hàng, cần xem kỹ để thanh toán đầy đủ, đúng hạn để tránh nợ chồng nợ không như mong muốn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng 'đua' nhau ra mắt thẻ tín dụng nhằm kích cầu chi tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO