Ngân hàng huy động 80.466 tỷ đồng từ kênh trái phiếu trong 6 tháng đầu năm, dẫn đầu toàn thị trường

Quỳnh Dương| 14/07/2022 08:14
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo báo cáo từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 6/2022 có 1 đợt phát hành trái phiếu ra quốc tế trị giá 100 triệu USD và 44 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị là 30.120 tỷ đồng.

VBMA cho biết, trong tháng 6/2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức 15 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) với tổng giá trị gọi thầu (GTGT) là 22.500 tỷ đồng, tổng giá trị đặt thầu là 32.430 tỷ đồng, trong đó giá trị trúng thầu là 15.275 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu 67,9%.

Trái phiếu kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 15 năm có khối lượng gọi thầu cao nhất (lần lượt ở mức 7.500 tỷ đồng và 7.735 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu là 75% đối với kỳ hạn 10 năm và 77,4% với kỳ hạn 15 năm. Trong tháng 6, lãi suất trúng thầu trung bình của kỳ hạn 10 năm tăng 9 điểm, kỳ hạn 15 năm tăng 11 điểm và không đổi ở kỳ hạn 20 năm so với lãi suất trúng thầu tháng gần nhất.

Trong nửa đầu năm, KBNN đã phát hành tổng cộng 69.087 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) trong năm, tương ứng 17% kế hoạch năm 2022 (400.000 tỷ đồng). Cụ thể, tổng giá trị phát hành của kỳ hạn 10 năm là 31.612 tỷ đồng (đạt 22,6% kế hoạch năm), 15 năm là 26.555 tỷ đồng (đạt 17,7% kế hoạch năm), 20 năm là 2.265 tỷ đồng (đạt 7,5% kế hoạch năm) và 30 năm là 8.625 tỷ đồng (đạt 24,6% kế hoạch năm). Trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 7 năm gọi thầu thất bại. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm 43.500 tỷ đồng (giảm 57,9%), 15 năm giảm 12.098 tỷ đồng (giảm 31,3%), 20 năm giảm 1.175 tỷ đồng (giảm 34,1%) và 30 năm tăng 667 tỷ đồng (tăng 8,4%).

Trong tháng 7/2022, sẽ có khoảng 4.436 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, tương đương khoảng 8,7% giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn cả năm.

Mặt khác, lợi suất TPCP (theo phòng chào giá VBMA) giảm ở kỳ hạn 1 và 2 năm nhưng tăng ở tất cả các kỳ hạn còn lại. Tính đến ngày 30/6/2022, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam là 3,24%, cao hơn Thái Lan 0,34% trong khi thấp hơn 4,01% so với Indonesia và 1,03% so với Malaysia. Khoảng cách giữa lợi suất TPCP Việt Nam và Mỹ nới rộng ở hầu hết các kỳ hạn trừ kỳ hạn 20 năm trong tháng 6.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong tháng 6/2022, có 1 đợt phát hành trái phiếu ra quốc tế trị giá 100 triệu USD của CTCP VinGroup và 44 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị là 30.120 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng thương mại hiện đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 27.285 tỷ đồng, lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là 5,16%/năm. BIDV phát hành nhiều nhất với 10.655 tỷ đồng, theo sau là Techcombank (7.000 tỷ đồng) và MB Bank (2.730 tỷ đồng).

Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai, phát hành 1.245 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với lãi suất trung bình 7,23%/năm. Trong đó, FE CREDIT chiếm phần lớn với 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm sau 3 đợt phát hành.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập Đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 17 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 8.996 tỷ đồng (chiếm 5,47% tổng giá trị phát hành) và 241 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 155.569 tỷ đồng (chiếm 94,53% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng hiện giảm 6% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhóm ngân hàng vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị 80.466 tỷ đồng, tương đương 48,9% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 62.848 tỷ đồng, chiếm 78,1%. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 42.583 tỷ đồng, chiếm 25,9%. Trong đó, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (NovaLand) phát hành nhiều nhất (9.857 tỷ đồng), xếp sau là CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng huy động 80.466 tỷ đồng từ kênh trái phiếu trong 6 tháng đầu năm, dẫn đầu toàn thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO