Tin hội viên

Ngân hàng lên tiếng vụ khách hàng phản ánh gửi tiết kiệm bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm

Linh Linh 05/07/2023 17:20

Theo thông tin xác minh từ phía ngân hàng và công ty bảo hiểm, cả ba hợp đồng của ông Nguyễn Đình Huệ tham gia đều là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có liên kết đầu tư, chưa ghi nhận phát sinh bất thường nào liên quan đến việc hình thành hợp đồng bảo hiểm của khách hàng.

Thực hư việc 3,34 tỷ đồng tiết kiệm bỗng chuyển thành bảo hiểm?

Trong thời gian vừa qua, xuất hiện những sự vụ khách hàng khiếu nại về việc đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng được tư vấn và đặt bút ký vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết, tạo nên ấn tượng không tốt với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Mới đây nhất, ông Nguyễn Đình Huệ (61 tuổi - Nghệ An) đã có đơn phản ánh tới báo chí cho rằng ông đã bị lừa khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng PVcomBank nhưng lại bị “hô biến” sang ba hợp đồng bảo hiểm của Prudential.

Ông Huệ cho hay, mặc dù không muốn mua bảo hiểm nhưng vẫn được nhân viên ngân hàng và nhân viên bảo hiểm tư vấn sản phẩm bảo hiểm và đã ký 3 hợp đồng bảo hiểm vào các khoảng thời gian là ngày 28/5/2021, 19/7/2021, 9/2/2022.

Các hợp đồng này có thời hạn đóng phí đến năm 2062, phí định kỳ hằng năm là hơn 200 triệu đồng/hợp đồng. Tổng số tiền ông Huệ đã đóng vào các hợp đồng là 3,34 tỷ đồng và khi yêu cầu huỷ hợp đồng, số tiền ông nhận về chỉ được 2,2 tỷ đồng.

Theo thông tin xác minh lại từ ngân hàng và công ty bảo hiểm, cả ba hợp đồng ông Nguyễn Đình Huệ tham gia đều là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có liên kết đầu tư.

Khách hàng khi tham gia sản phẩm này sẽ được hưởng quyền lợi về rủi ro tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Đồng thời, một phần số tiền sẽ được lựa chọn đầu tư 1 trong 6 quỹ đầu tư với các mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau theo nguyên tắc lợi nhuận kỳ vọng càng cao thì rủi ro cao và ngược lại.

Thời gian thể hiện trên hợp đồng đến năm 2062 chính xác là thời hạn hợp đồng (hay còn gọi là thời hạn bảo hiểm), cũng là mức thời gian bình thường đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (tức đến khi khách hàng 99 tuổi). Tuy nhiên, thời gian này không đồng nghĩa với việc khách hàng bắt buộc phải đóng phí tới 99 tuổi như nhiều người lầm tưởng.

Thông thường, người mua bảo hiểm sẽ có thời gian đóng phí bắt buộc (ở trường hợp của ông Huệ là 5 năm) và sau đó sẽ là thời gian đóng phí linh hoạt. Điều này có nghĩa rằng sau 5 năm khách hàng có thể điều chỉnh giảm mức phí đóng hay thậm chí dừng đóng phí, tuy nhiên, quyền lợi bảo hiểm đi kèm cũng sẽ giảm dần.

Chưa ghi nhận được điều bất thường trong việc ký kết hợp đồng

Theo thông tin từ PVcomBank cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của khách hàng, ngân hàng đã phối hợp với công ty bảo hiểm Prudential cùng các bên liên quan để xác minh nội dung khiếu nại của ông Huệ.

Kết quả đối chiếu cho thấy chữ ký trên Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, Giấy bàn giao hợp đồng bảo hiểm, các chữ ký điện tử và mã xác thực (OTP) với chữ ký trùng khớp với mẫu chữ ký của khách hàng là ông Huệ đã đăng ký tại PVcomBank.

Bên cạnh đó, số điện thoại nhận cuộc gọi chào mừng tham gia bảo hiểm (Welcome Call) cũng chính là số điện thoại mà ông Huệ đã đăng ký tại ngân hàng và đang sử dụng. Phía Prudential cho biết tại cuộc gọi này, khách hàng đã xác nhận thông tin về việc tham gia hợp đồng bảo hiểm với số tiền và thời gian đóng phí dự kiến 5 năm, đã nắm được việc tham gia quỹ đầu tư với mức rủi ro và lợi suất tương ứng.

"Chúng tôi chưa ghi nhận phát sinh bất thường từ các chứng từ liên quan đến việc hình thành hợp đồng bảo hiểm của khách hàng", đại diện PVcomBank cho biết.

Ngoài ra, đại diện PVcomBank cũng cho biết, bên cạnh sự tư vấn của tư vấn viên, khách hàng có thời hạn cân nhắc là 21 ngày kể từ ngày nhận bộ hợp đồng bảo hiểm, theo quy định tại Điều 4 của quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm PRU-Đầu tư linh hoạt.

Đây là khoảng thời gian để khách hàng cân nhắc một cách cẩn thận và độc lập về quyết định tham gia bảo hiểm của mình và khách hàng có toàn quyền quyết định có tiếp tục thực hiện hay chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, trong thời hạn 21 ngày cân nhắc nêu trên, ngân hàng và công ty bảo hiểm Prudential đều không nhận được bất cứ thắc mắc hoặc phản ánh nào từ khách hàng liên quan đến việc tư vấn của tư vấn viên; hay bất kỳ ý kiến nào liên quan đến điều kiện, điều khoản và các yếu tố khác của các hợp đồng bảo hiểm nêu trên có điểm nào chưa phù hợp với khách hàng; hoặc quyết định chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Để giải quyết cụ thể về trường hợp này, đại diện của PVcomBank và Công ty bảo hiểm Prudential đã có buổi làm việc trực tiếp với khách hàng và đề nghị khách hàng cung cấp thêm bằng chứng hợp lệ thể hiện vi phạm của cán bộ nhân viên. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, ông Huệ chưa cung cấp thêm bất cứ bằng chứng nào khác.

PVcomBank khẳng định, ngân hàng luôn theo đuổi nguyên tắc hoạt động minh bạch, trung thực, tôn trọng khách hàng của mình. Mọi phản hồi, khiếu nại từ khách hàng đều được ngân hàng ghi nhận và xem xét kỹ lưỡng.

Kết quả giải quyết khiếu nại cho khách hàng được xác định dựa trên đánh giá của ngân hàng và công ty bảo hiểm qua các yếu tố như tính đầy đủ, hợp pháp của bộ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm, kết quả phỏng vấn, đối chất với các tư vấn viên và nhân viên ngân hàng liên quan, các thông tin do khách hàng cung cấp trong đơn khiếu nại và trong quá trình trao đổi trực tiếp, cùng các bằng chứng hoặc các yếu tố có liên quan cần được cân nhắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng lên tiếng vụ khách hàng phản ánh gửi tiết kiệm bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO