(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng mở là xu thế tất yếu trên toàn cầu, đang được triển khai trên toàn thế giới do nhu cầu của thị trường nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, cạnh tranh, quyền riêng tư về dữ liệu và tài chính bao trùm.
Thông tin trên được ông Dilip Krishnan - Lãnh đạo toàn cầu, Giám đốc thực hành chuyển đổi kỹ thuật số thuộc bộ phận Dịch vụ và Dữ liệu của Mastercard cho biết tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam – Những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý” do Ủy ban Chính sách thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa tổ chức.
|
Đại diện của Mastercard cho biết, các ngân hàng đang điều chỉnh chiến lược của mình theo mô hình ngân hàng mở thay vì xây dựng một chiến lược ngân hàng mở, đồng thời phát triển cổng thông tin dành cho nhà phát triển trở thành một phương thức để tiếp thị các API (giao diện lập trình ứng dụng) cao cấp
Nhằm đón xu hướng, nhiều quốc gia đã và đang triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ, hành lang pháp lý để phát triển cũng như quản lý tốt ngân hàng mở.
Tại Singapore đã áp dụng API mở từ năm 2016 và SGFinDex (Sàn giao dịch dữ liệu tài chính Singapore) đi vào hoạt động từ tháng 12/2020. Tại Nhật Bản, các ngân hàng bắt buộc áp dụng API mở từ năm 2021. Còn tại Malaysia hiện cũng đang xây dựng khung quy định về ngân hàng mở.
Tại một số quốc gia, phạm vi sản phẩm ngân hàng mở chủ yếu bao gồm tài khoản thanh toán (Anh, Nhật Bản, Bahrain..), và phát triển sản phẩm tài chính, bao gồm tài khoản thanh toán, cho vay, cầm cố, thẻ tín dụng, quỹ đầu tư (Hoa Kỳ, Ấn Độ, Braxin… Một số nước (Úc, Trung Quốc) phạm vi bao trùm nhiều hơn cả về sản phẩm tài chính và phi tài chính (viễn thông, điện nước…). Tuy nhiên, một số nước như Indonesia, Malaysia, Nhật Bản… hạn chế việc truy cập sử dụng dữ liệu khách hàng của bên thứ ba ở mức đọc thông tin về tài khoản, số dư và khởi tạo thanh toán.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngân hàng mở từ góc nhìn khu vực, ông Jonathan Cheung, Giám đốc Open Banking & API, Standard Chartered HongKong (Trung Quốc) cho biết, việc triển khai ngân hàng mở sẽ xuất hiện mô hình ‘tài chính nhúng’ (Embedded Finance), trong đó các ngân hàng thuần túy kỹ thuật số hợp tác với các tổ chức ngoài ngành ngân hàng như các công ty viễn thông/bán lẻ/thương mại điện tử,… bổ sung các thành phần dịch vụ tài chính (Financial Services) vào hành trình của khách hàng. Chẳng hạn, Standard Chartered và Bukalapak sẽ cung cấp một số dịch vụ tài chính sáng tạo thông qua hệ sinh thái của Bukalapak. Hay như cho phép Sociolla cung cấp các sản phẩm tài chính như tài khoản tiết kiệm, các khoản vay và thẻ tín dụng được Nexus hỗ trợ, sau khi có sự phê duyệt của cơ quan quản lý.
Ông Jonathan Cheung cũng lưu ý các ngân hàng khi triển khai ngân hàng mở xác định tình huống kinh doanh, so sánh giữa chi phí và lợi ích. Đặc biệt, cần nghiên cứu xem khách hàng đã sẵn sàng đến mức độ nào cho một trải nghiệm ngân hàng mở/"ngân hàng nhúng" (đặc biệt là khi được yêu cầu chia sẻ dữ liệu của họ).
Ông Richard Lord, Giám đốc điều hành kiêm CIO Khu vực, Bộ phận Bán buôn, ASP thuộc ngân hàng HSBC cho biết, API là một phương thức kinh doanh mới, nền kinh tế API đang bước sang một giai đoạn mới quan trọng. Ngoài những đổi mới sáng tạo chủ yếu là do các công ty công nghệ mới dẫn dắt, phần lớn các tổ chức truyền thống đang nhanh chóng triển khai chiến lược API.
Các hệ sinh thái và chuỗi giá trị tích hợp dựa trên API đang tạo ra những cơ hội mới với khả năng đẩy nhanh tốc độ hoạt động thương mại. Các chính phủ và ngân hàng trung ương đang hỗ trợ nền kinh tế API bằng các chương trình về API Ngân hàng Mở hay đưa ra các quy định thương mại liên quan đến API.
Để xây dựng một nền kinh tế API hiệu quả, chúng ta phải xem xét, cân nhắc 3 thành tố quan trọng để đảm bảo thành công: Thương mại, Tin tưởng, Kết nối
Các API không chỉ là một phương thức để đẩy nhanh tốc độ hoạt động. Nhiều cơ hội sử dụng API để tạo ra các sản phẩm/dịch vụ/giá trị mới. Nhìn theo các chiều “xuôi và ngược trong chuỗi giá trị” để phát hiện những lĩnh vực mới trong đó các API và mô hình ngân hàng mở có thể gia tăng giá trị
Ông Richard Lord cũng lưu ý vấn đề bảo mật API bởi các API là đích tấn công mới của tin tặc. Một API được sử dụng sai mục đích (hoặc được triển khai không tốt) có thể dẫn đến việc tin tặc truy cập được những dữ liệu/dịch vụ mà chúng không có quyền truy cập.
“Chiến lược API không chỉ bao gồm khía cạnh công nghệ mà còn bao trùm chính sách, bảo mật, lòng tin”, Richard Lord nói thêm và cho rằng cần gắn kết, cộng tác với tất cả các đối tác cần thiết trong ngành để gặt hái thành công, tìm kiếm các cơ hội mới và sẵn sàng khám phá, thử nghiệm. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách và quy định để hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế API cũng như mô hình ngân hàng mở mà không ảnh hưởng đến tính bảo mật, tính toàn vẹn và hiệu năng.
Là chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, công nghệ đã giúp ngành tài chính - ngân hàng chuyển đổi số tương đối tốt. Công nghệ lõi hầu như đã được áp dụng vào hầu hết các nhiệm vụ chính của hệ thống ngân hàng, bao gồm dịch vụ thanh toán, dịch vụ tư vấn và đại lý, đầu tư và tự doanh, cho vay và tài trợ, bảo hiểm, chứng khoán, tác nghiệp, giao dịch và an ninh mạng.
Theo ông Lực, có rất nhiều dịch vụ tài chính mới nổi đã và đang phát triển, trong đó có ngân hàng mở trên nền tảng giao diện lập trình ứng dụng, cho vay ngang hàng (P2P lending), huy động vốn cộng đồng (crowd funding). Còn chứng khoán số (digital securities), bảo hiểm số (InsurTech), bất động sản số (proptech) có vẻ chậm hơn so với tài chính - ngân hàng.
Đối với ngân hàng mở, có 3 mô hình phố biến là thực cộng (tức là ngân hàng ngoài dịch vụ cốt lõi còn tích hợp thêm các dịch vụ của đối tác thứ ba trong hệ sinh thái và bán hàng cho khách hàng). Hiện nay, các ngân hàng tại Việt Nam chủ yếu đang đi theo mô hình này. Thứ hai là mô hình bị động. Với mô hình này, ngân hàng sẽ là đại lý, kênh phân phối cho bên thứ ba quy mô lớn nào đó, ví dụ như bigtech. “Một vài ngân hàng nhỏ hay quỹ tín dụng có thể đi theo mô hình này’, ông Lực nói.
Thứ ba là mô hình tích hợp tương đối tối ưu, phù hợp với xu hướng và xu thế. Với mô hình này, ngân hàng sẽ ở thế chủ động, làm chủ nền tảng và có quyền cho phép bên thứ ba kết nối đóng hoặc mở, tuỳ theo cách thức tiếp cận rủi ro của mỗi ngân hàng. Như vậy, ngân hàng có thể tiếp cận được nhiều sản phẩm dịch vụ khác nhau, cả ngân hàng và dịch vụ phi ngân hàng cùng lúc.
“Đây là mô hình tôi rất khuyến khích các ngân hàng Việt Nam nên tiếp cận. Mô hình tối ưu này tạo ra một hệ sinh thái tuyệt vời cho hệ thống ngân hàng, bao gồm các dịch vụ ngân hàng cơ bản, dịch vụ ngân hàng bổ sung và dịch vụ phi ngân hàng”, ông Lực khuyến nghị. Theo ông Lực, hiện có 108 quốc gia trên thế giới đã và đang hoàn thiện cơ chế chính sách để cho phép triển khai ngân hàng mở một cách bài bản, hệ thống. Riêng trong năm 2021, đã có khoảng 1.537 ngân hàng cung cấp nền tảng ngân hàng mở, tăng 175% so với năm trước.