Ngân hàng Nhà nước ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 152 của Chính phủ

P.V| 04/01/2023 08:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định số 2229/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm xác định rõ các nội dung công việc cụ thể, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Thứ nhất, tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ và Kế hoạch hành động này đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết (các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện).

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập (các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao đầu mối tham mưu lĩnh vực được phân công, các văn bản quy phạm pháp luật).

Thứ ba, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển kinh tế cả nước nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng (Vụ Chính sách tiền tệ đầu mối phối họp các đơn vị liên quan tham mưu).

Thứ tư, điều hành tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu), trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Điều hành tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cân đối vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các lĩnh vực có thế mạnh của vùng Tây Nguyên như: cây nông, lâm nghiệp (nhất là đối với các cây công nghiệp), công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái và văn hóa.

Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Thứ năm, tổ chức triển khai các chương trình, chính sách tín dụng góp phần thúc đấy tăng trưởng kinh tế; triến khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu), trong đó tập trung vào một số nội dung:

Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tích cực triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thứ sáu, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng góp phần phát triển thanh toán điện tử tại vùng Tây Nguyên (Vụ Thanh toán đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu), trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng Tây Nguyên nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng nhằm phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ tại vùng Tây Nguyên. Tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ bảy, tiếp tục tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên địa bàn vùng Tây Nguyên (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu).

Thứ tám, tăng cường hợp tác với Lào và Campuchia trong lĩnh vực ngân hàng (Vụ Hợp tác quốc tế đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu), trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Tích cực phối hợp triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Lào và Campuchia; tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và cấp kỹ thuật nhằm chia sẻ kinh nghiệm về công tác hoạch định chính sách và quản lý hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các ngân hàng của nước này có hiện diện tại nước kia.

Khuyến khích, thúc đẩy thanh toán bằng đồng nội tệ tại khu vực biên giới hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi của thương nhân và cư dân biên giới nói riêng và quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước nói chung.

Thứ chín, Đẩy mạnh công tác truyền thông các cơ chế, chính sách đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Vụ Truyền thông, Thời báo Ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện).

Thứ mười, Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ và Kế hoạch hành động này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai nhiệm vụ phù họp với hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cuối cùng, về chế độ báo cáo, định kỳ hằng năm (trước ngày 15/11), các đơn vị được giao đầu mối triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động này và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 5 tỉnh, thành phố vùng Tây Nguyên có báo cáo về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối thực hiện) để báo cáo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 152 của Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO