Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, ưu tiên số một là kiểm soát lạm phát

Quỳnh Dương| 23/09/2022 16:48
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022. Đây cũng là ngày đầu tiên lãi suất điều hành và mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam được điều chỉnh tăng có hiệu lực.

Điều chỉnh các mức lãi suất để thực hiện mục tiêu đặt ra của chính sách tiền tệ

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tình hình nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngành Ngân hàng nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Với đặc điểm là nền kinh tế của nước ta đã mở cửa hội nhập nên những biến động tình hình kinh tế - chính trị của các quốc gia trên thế giới cũng tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành Ngân hàng nói chung và quá trình điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.

Trước bối cảnh đó, các cấp lãnh đạo từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ trong công tác điều hành chính sách.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo

Với tư cách là một bộ, ngành thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, quyết liệt hằng ngày, hàng giờ, góp phần kiểm soát lạm phát, được người dân, doanh nghiệp tin tưởng đồng hành, chia sẻ vượt qua những khó khăn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Cụ thể, trước những tác động của tình hình thế giới và các chính sách tài chính tiền tệ của các nước đến nền kinh tế Việt Nam, để thực hiện các mục tiêu đặt ra của chính sách tiền tệ, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 23/9/2022.

Trong điều hành tỷ giá, quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng; đồng USD quốc tế tăng giá mạnh; Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga - Ukraine,…).

“Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ; mặt bằng lãi suất và tăng trưởng tín dụng hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, điều hành tỷ giá linh hoạt”, Phó Thống đốc khẳng định.

Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao điều hành của NHNN, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ đúng, trúng; phản ứng chính sách linh hoạt, thận trọng, kịp thời, có tính dự báo cao và chủ động, hấp thu tốt trước các biến động của tình hình thế giới, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức khi nển kinh tế vừa hồi phục sau đại dịch Covid-19. Từ đó tạo được niềm tin của người dân, nhà đầu tư đối với điều hành của Chính phủ, NHNN và môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, xu hướng lạm phát quốc tế vẫn tiếp tục ở mức cao. Ngày 22/9/2022, FED quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% và sau 05 lần điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành (federal funds rate) lên mức 3-3,25%/năm, đồng thời FED dự báo tiếp tục tăng lãi suất và duy trì trên 4%/năm sau năm 2023 để kiềm chế lạm phát, chỉ số USD tăng cao kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây.

Trong nước, tình hình giá cả xăng dầu,vật tư xây dựng…tuy đã được kiểm soát song vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp. Tác động vòng 2 của chi phí đẩy do giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng áp lực lên lạm phát. Để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN chia sẻ tại họp báo

Chia sẻ thông tin tại buổi họp báo, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN, cho biết, đến nay, có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu ( năm 2021 có 113 lượt tăng). Đến 1h30 ngày 22/9, Fed đã tăng 0,75%/năm lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát Mỹ rất cao (8,3%). Dự kiến đến cuối năm 2022, FED sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023.

“Diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam)”, ông Phạm Chí Quang cho biết.

Đến sáng ngày 20/9/2022, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD: TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%). Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (khoảng gần 4%).

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.

5 mục tiêu trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ

Bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và những thách thức khiến điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Do đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nêu ra 5 mục tiêu trọng tâm của ngành ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ.

Thứ nhất, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Phó thống đốc khẳng định, Đây là mục tiêu ưu tiên số môt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN”, Phó Thống đốc nói.

Thứ hai, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để khôi phục nền kinh tế hậu dịch bệnh một cách nhanh chóng, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Thứ ba, tiếp tục đảm bảo thanh khoản của nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế.

Thứ tư là đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD bằng các công cụ an toàn, các chỉ số đảm bảo an toàn của các TCTD và tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Do đó, các công cụ điều hành chính sách tiền tệ phải đảm bảo mục tiêu yêu cầu.

Thứ năm, NHNN tiếp tục phối hợp các bộ ngành liên quan, tổ chức chính trị xã hội làm tốt công tác tín dụng đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng, chính sách xã hội, đặc biệt là chương trình Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Toàn cảnh họp báo

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đồng thời, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục chỉ đạo TCTD giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Chỉ đạo TCTD hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro. Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát nhập khẩu.

Để đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất, NHNN thành lập các đoàn kháo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai tại các ngân hàng thương mại và các địa phương. Tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố, tháo gỡ khó khăn liên quan đến triển khai hỗ trợ lãi suất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, ưu tiên số một là kiểm soát lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO