Kịch bản luân chuyển dòng tiền vẫn chỉ dừng lại ở mức tiềm năng khi các nhóm ngành như: chứng khoán, thép, bất động sản chưa thể thay thế cho ngân hàng. Chuỗi 7 phiên tăng điểm của VN-Index cũng dừng lại dù chứng khoán châu Á đã tăng điểm.
Định vị thị trường
VN-Index đã đi ngược xu hướng châu Á trong các phiên vừa qua. Tuy nhiên, khi châu Á hồi phục trở lại, chỉ số cũng giữ nguyên mối tương quan này.
Nếu như một loạt thị trường dẫn đầu bởi NIKKEI 225 (+1,16%) cùng tăng điểm trong phiên hôm nay (ngày 9/1), thì VN-Index lại quay đầu giảm nhẹ. Sự tập trung của dòng tiền vào nhóm Ngân hàng tiếp tục khiến nhà đầu tư chưa thực sự an tâm.
Chất xúc tác
Khớp lệnh của HOSE bước sang phiên thứ 6 liên tiếp đạt trên mức bình quân 20 phiên nên về mặt dòng tiền, thị trường đang có sự đảm bảo cho các cơ hội giao dịch.
Theo thống kê, nhà đầu tư nội chiếm hơn 92% tổng giao dịch 2 chiều, còn khối ngoại đã có chiều hướng tăng cường giao dịch. Dù vậy, quy mô bán ròng của khối ngoại lại đang khá hẹp khi họ mua/bán đan xen thay vì chỉ quá tập trung vào một vài cổ phiếu.
Chiều bán ra là VNM (-73 tỷ đồng), FUEVFVND (-68,15 tỷ đồng), trong khi ngược lại HPG (+100 tỷ đồng), VCB (+77 tỷ đồng), PLX (+55,64 tỷ đồng) được mua vào.
Vận động thị trường
Vùng kháng cự tại 1.160 điểm được xem là khá mạnh bởi trong suốt gần 4 tháng trở lại, VN-Index đã có 2 lần thất bại. Trong lần thử sức thứ 3 này, chỉ số đang tiếp cận một cách khá nhanh chóng, thể hiện qua chuỗi 7 phiên tăng điểm vừa qua.
Việc chỉ số có quay đầu giảm điểm như phiên hôm nay cũng không hàm chứa quá nhiều rủi ro. Thực tế, rung lắc rõ nhất đến trong phiên chiều này với trường hợp của HPG và các cổ phiếu nhóm thép. Tuy nhiên, HPG (-0,5%) đã nhanh chóng có những nỗ lực đỡ giá từ cả nhà đầu tư nước ngoài và tiền nội.
Ngân hàng dù đã có nhiều trường hợp muốn điều chỉnh như ACB (-1,4%), BID (-0,8%), OCB (-0,7%) nhưng ngay sau rung lắc một nhóm khác bao gồm các cổ phiếu có quy mô vốn hóa lớn như CTG (+1,5%), VCB (+1,2%), MBB (+0,7%) lại khẩn trương vào "trấn an" tâm lý.
Thị trường hoàn toàn có thể xảy ra sự tiêu cực nếu như ngân hàng không can thiệp bởi hiện tại sự luân chuyển nhóm ngành chỉ dừng lại ở mức tiềm năng.
Các cổ phiếu ngành thép, chứng khoán có thể là những nhóm thay thế cho ngân hàng nhưng rốt cuộc, sắc đỏ vẫn bao phủ một loạt mã như HSG (-2,01%), NKG (-1,05%), SSI (-0,29%), VND (-0,45%), HCM (-1,02%).
Các cổ phiếu bất động sản cũng vẫn chỉ là những điểm sáng nhen nhóm ở các trường hợp của TCH (+1,9%), PDR (+1,6%), CII (+1,6%). Tương tự là các mã cảng biển, mía đường với HAH (+2,11%), SBT (+4,12%).
Một câu chuyện mạch lạc tại một nhóm ngành cụ thể ngoài ngân hàng vẫn chưa xuất hiện, VN-Index chấp nhận lùi lại, mất 1,6 điểm xuống 1.158,59 điểm (-0,14%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 18.433 tỷ đồng.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index cũng chịu trói trong chuyển động với việc cùng giảm 0,35% và 0,07%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.400 tỷ đồng.