Lãi suất trái phiếu phân phối tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thời gian qua thấp hơn từ 0,5-1% so với các tổ chức cùng ngành khác. Những tưởng điều này sẽ khiến nhà phát hành rơi vào tình cảnh “ế hàng”. Tuy nhiên, thực tế thị trường đang có diễn biến ngược lại. Vì sao có điều lạ này?
Không chạy đua lãi suất bằng mọi giá
Lãi suất trung bình của trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã về quanh mức khoảng 8-10%. Ở một số lĩnh vực, lãi suất có xu hướng tăng hơn so với trung bình ngành, dao động từ 12-14%, tuy vậy cũng là mức thấp sau giai đoạn nhà đầu tư chạy theo lợi suất lên đến hơn 20%/năm như ở thời điểm 2022. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp tốt cũng không huy động vốn bằng mọi giá mà căn cứ vào tình hình thị trường để tính toán mức lãi suất huy động phù hợp. Thực tế cho thấy, khi lãi suất dần hạ nhiệt từ giữa năm 2023 trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phát hành trái phiếu huy động vốn với mức lãi suất còn khoảng 9%/năm trong tháng 9 so với bình quân khoảng 10,5%/năm vào tháng 6/2023.
Điều này cũng phần nào phản ánh hiệu quả tích cực từ những biện pháp mạnh tay mang tính thanh lọc thị trường để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Theo đó, tâm lý của nhà đầu tư đã trở nên điềm tĩnh hơn, và ưu tiên tiêu chí "an toàn" khi quyết định đầu tư vào trái phiếu.
Cùng trong xu thế đó, lãi suất trái phiếu tại TCBS thời gian qua cũng đã giảm và dao động thấp hơn 0,5-1% so với nhiều tổ chức khác. Tuy vậy, tính đến cuối quý III/2023, doanh thu kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu tại TCBS lại cao hơn toàn ngành và đạt mức tăng trưởng ấn tượng 134% so với quý liền trước và 118% so với cùng kỳ năm 2022, đưa TCBS trở thành tổ chức nắm giữ gần 70% thị phần tư vấn trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường. Tại sao có “nghịch lý” này?
“Giải mã” cho nghịch lý này, bà Nguyễn Thị Hoạt – Phó Tổng Giám đốc TCBS lý giải “Chúng tôi không chạy đua lãi suất để thu hút khách hàng mở tài khoản và giao dịch bằng mọi giá. TCBS, với khẩu vị rủi ro thận trọng, thấu hiểu khách hàng cùng đội ngũ chuyên gia phân tích dày dạn kinh nghiệm đã luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trên những quyết định “xuống tiền” của họ. 100% các khách hàng cá nhân đầu tư trái phiếu do TCBS phân phối tới nay đều được thanh toán lãi và gốc đúng hạn”.
Nhà đầu tư có bị thiệt khi đầu tư với mức lãi suất thấp hơn?
Khi quyết định đầu tư vào trái phiếu, ai cũng mong muốn khoản đầu tư của mình được sinh lời nhanh chóng, với lãi suất cao và thời gian thanh khoản phù hợp với nhu cầu. Tuy vậy, lãi suất không phải là yếu tố duy nhất, quyết định tới sự thành công của một khoản đầu tư mà bên cạnh đó còn độ an toàn và tính thanh khoản. Những điều đó phụ thuộc rất lớn vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, mức độ bảo lãnh của đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu trong trường hợp doanh nghiệp chậm/nợ hoặc không có khả năng chi trả. Khi đó lãi suất dù có cao đến mấy mà doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản thì nhà đầu tư sẽ là cá nhân chịu thiệt thòi.
Các trái phiếu mà TCBS chào bán đến khách hàng đều được thẩm định, sàng lọc, theo dõi và quản trị rủi ro chặt chẽ theo quy trình đầu tư trái phiếu áp dụng tại ngân hàng mẹ Techcombank, chủ yếu là trái phiếu của các tổ chức niêm yết lớn với hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính ổn định như nhóm Vingroup (VIC, VHM, VRE...), Masan (MSN, MML, MSR,..).
Cũng trong năm 2023, TCBS liên tục cải tiến sản phẩm và đã cho ra mắt 2 dòng sản phẩm trái phiếu được thiết kế với nhiều lợi thế, đáp ứng nhu cầu đầu tư an toàn và thanh khoản linh hoạt của khách hàng. Bao gồm trái phiếu iBond Protect được bảo lãnh thanh toán bởi ngân hàng Techcombank, và trái phiếu iBond ProX kèm theo dịch vụ môi giới ProX (nếu sau 10 ngày làm việc kể từ ngày trái phiếu đáo hạn mà tổ chức phát hành chưa trả đầy đủ gốc và lãi trái phiếu cho khách hàng thì TCBS sẽ thực hiện nghĩa vụ môi giới để giúp khách hàng bán trái phiếu thu hồi gốc và lãi đầy đủ).
Bất chấp bối cảnh khó khăn của năm 2022, 2023, hơn 75.000 tỷ đồng tiền trái tức và gốc đến hạn của 500 mã trái phiếu do TCBS tư vấn phát hành đã được thanh toán đầy đủ và đúng hạn trong năm 2022. Từ đầu năm 2023, TCBS đã thực hiện thanh toán khoảng 94.500 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. “Thay vì nghe theo những quảng cáo hấp dẫn về lãi suất lên tới 15%-17%/năm và lo lắng chờ đợi liệu tổ chức phát hành đó có trả lãi và gốc đúng hạn cho mình hay không, tôi chấp nhận mức lãi suất thấp hơn, có thể chỉ hơn lãi suất tiết kiệm vài %, nhưng bù lại là tôi được nhận về đầy đủ gốc và lãi đúng hạn cho khoản đầu tư của mình” – anh Xuân Tú, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ vậy, TCBS còn là đơn vị tiên phong trong hoạt động giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp với việc tiên phong thành lập hệ thống Thỏa thuận trái phiếu iConnect đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại với gần 78.000 khách hàng tham gia và đạt 16.000 tỷ đồng khối lượng trái phiếu khớp lệnh trên iConnect năm 2023. Theo đó, khi cần thanh khoản, nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm đối tác và hoàn tất giao dịch thỏa thuận nhanh chóng.
Đầu tư an toàn và thận trọng vẫn là xu hướng được ưu tiên trong năm 2024
Theo dự báo của Moody's trong năm 2024, thị trường trái phiếu sẽ phát triển theo hướng kỉ luật và chặt chẽ hơn. Cùng với đó là niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hồi phục. Nhà đầu tư sẽ có góc nhìn thận trọng hơn về mức độ rủi ro tín dụng của từng nhóm ngành để từ đó có quyết định “xuống tiền” chính xác hơn cho từng mã trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức tư vấn, phát hành uy tín tiếp tục được lựa chọn để bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.
Hiện nay, TCBS đang phân phối chủ yếu các trái phiếu của các tổ chức phát hành tạo dựng được uy tín trên thị trường và đồng thời chưa có bất kỳ rủi ro nào thanh toán xảy ra trong quá khứ. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao nhà đầu tư sẵn sàng tìm mua các trái phiếu với lãi suất có thể thấp hơn thị trường 0,5-1% nhưng có mức độ an toàn cao và khả năng sinh lời hấp dẫn hơn nhiều so với các kênh đầu tư khác.