Theo tài liệu dự kiến trình cổ đông, các ngân hàng đều đưa ra kế hoạch tương đối thận trọng trong năm tài chính 2023.
Chẳng hạn, VIB dự kiến hạ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 32% năm 2022 xuống 15% trong năm 2023; Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất, chỉ tăng 5-6% so với kết quả đạt được trong năm 2022; trong khi năm trước lợi nhuận trước thuế hợp nhất của nhà băng này ghi nhận mức tăng trưởng hơn 26%...
Hiện vẫn còn nhiều ngân hàng chưa công bố kế hoạch lợi nhuận năm nay vì phải chờ kết quả báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 để đặt mục tiêu phù hợp. Việc kiểm toán báo cáo tài chính ngân hàng rất phức tạp nên dự kiến kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng sẽ công bố vào cuối tháng 3 nhưng chắc chắn xu hướng kinh doanh thận trọng.
Kết quả khảo sát của NHNN cũng cho thấy, các TCTD tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới với 56,4 - 75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022; 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022; có 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022.
Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, do bối cảnh kinh doanh năm nay khó hơn các năm trước nên cũng như nhiều ngân hàng, năm nay OCB thận trọng khi đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh. Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài khá nhiều mà các yếu tố này nằm ngoài khả năng kiểm soát như tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các nước trừng phạt kinh tế thay vì hợp tác... làm cho lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng đứt đoạn. Điều này ảnh hưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam. “Tất cả những vấn đề trên đều không lường trước được, khiến cho kinh tế thế giới đặt trong bối cảnh rất phức tạp. Kinh tế Việt Nam lại ngày càng mở, hội nhập sâu rộng nên chắc chắn chịu tác động lớn hơn giai đoạn trước đây”, ông Tùng nhìn nhận.
Trước những biến động trên thị trường, các ngân hàng cũng phải tăng cường dự phòng như tăng dự phòng về thanh khoản kéo theo chỉ số LDR hạ thấp xuống, chi phí vốn tăng lên... Lãnh đạo một ngân hàng cũng thừa nhận, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm, nhưng so với năm trước chi phí vốn của ngân hàng bị đội lên. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hết hiệu lực từ tháng 6/2022; Trong khi, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn tăng cao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do những biến động bất lợi của thị trường... Điều đó đòi hỏi các ngân hàng phải gia tăng “bộ đệm” dự phòng rủi ro, tác động lợi nhuận.
Trong báo cáo về ngành Ngân hàng vừa công bố, VNDirect phân tích, năm 2022, lợi nhuận của ngành Ngân hàng tăng gần 34% so với năm trước. Tuy nhiên, năm nay, tốc độ tăng trưởng dự báo chỉ còn khoảng 11%. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kinh doanh ngân hàng đó là triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khiến dòng tiền của doanh nghiệp suy yếu nghiêm trọng, làm gia tăng rủi ro nợ xấu, từ đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản và rủi ro tín dụng ngân hàng.
Ngoài hai yếu tố trên, các chuyên gia của Công ty chứng khoán BSC cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng chậm lại; lãi suất huy động tăng, tỷ lệ CASA giảm... dẫn tới NIM thu hẹp và rủi ro nợ xấu tăng cao hơn dự báo là những nguyên nhân khiến ngành Ngân hàng đang gặp phải nhiều rủi ro và sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023. Thực tế dù là thu ngoài lãi của các ngân hàng đã được cải thiện nhưng hiện thu tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Mặt khác, kinh tế khó khăn không chỉ khiến tín dụng giảm mà các hoạt động khác liên quan cũng bị ảnh hưởng, nhất là dịch vụ cơ bản của ngân hàng như thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế chắc chắn sẽ bị hạn chế, chịu ảnh hưởng trực tiếp...
Trước những rủi ro về chi phí vốn gia tăng, NIM thu hẹp, tỷ lệ nợ xấu gia tăng, BSC cho rằng, các NHTM được ưu tiên về room tín dụng, có danh mục cho vay thận trọng, chênh lệch kỳ hạn lãi suất thấp và duy trì được tỷ lệ CASA cao sẽ có nhiều cơ hội nhất để vượt qua khó khăn ngắn hạn này. Đây có thể sẽ là những ngân hàng có đủ khả năng để duy trì mục tiêu kép về tăng trưởng mà vẫn đảm bảo chất lượng tài sản. “Trong giai đoạn môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn, BSC cho rằng ngành Ngân hàng sẽ cần ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản thay vì tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn tới và có thể thời kỳ xây đắp bộ đệm dự phòng sẽ quay trở lại”, nhóm phân tích của BSC khuyến nghị.
Đại diện VPBank cho biết, định hướng trong năm 2023 ngân hàng sẽ tập tăng trưởng CASA trên 80%; tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, hướng tới các phân khúc bền vững, tăng trưởng nguồn thu từ phí… Còn tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, ngân hàng sẽ triển khai các phương án để giảm thiểu tác động đến hoạt động kinh doanh như mở rộng các hoạt động dịch vụ, đa dạng hóa nguồn vốn huy động...
Trước mắt, ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song, giới chuyên môn đánh giá ngành Ngân hàng trong năm 2023 vẫn sẽ có một số điểm sáng như cơ cấu tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều, đi cùng việc đẩy mạnh cho vay bán lẻ, phát triển dịch vụ phi tín dụng, đẩy mạnh chuyển đổi số… sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tập trung. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đưa lên mức cao kỷ lục tạo bộ đệm tương đối vững chắc và tăng trưởng thu nhập lãi được kỳ vọng cải thiện vào nửa cuối năm 2023. Trong năm 2023, các TCTD kỳ vọng các nhân tố khách quan sẽ có tác động tích cực hơn so với năm 2022. Trong đó “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được dự kiến là nhân tố tác động tích cực quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD.