Nhiều ngân hàng đưa ra các gói vay ưu đãi, nhằm thúc đẩy nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đang ở mức khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới khoảng 9,4%/năm.
Giảm lãi suất huy động được xem là cơ sở quan trọng để các ngân hàng thương mại có thể giảm chi phí, hướng tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Những cành cà phê khô đã cho thu hoạch từ vụ mùa năm trước, như cách trồng truyền thống, nông dân sẽ phải cắt tỉa cành đi, nhưng nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, họ đã cải tiến công nghệ canh tác. Những cành cây tự hủy, người dân không mất công, giúp tiết kiệm thời gian, sức lực.
Cách làm mới giúp gia đình ông Thành (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) nâng cao giá trị cây trồng. Từ nguồn vốn nhỏ ban đầu, gia đình ông đã mạnh dạn vay hơn 10 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho nông nghiệp, để đầu tư hơn 7 ha cà phê, hồ tiêu, cau... hướng tới xuất khẩu.
"Chúng tôi cho vay thông qua tổ hội, hội phụ nữ, hội nông dân, cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, tạo điều kiện cho khách tiếp cận nguồn vốn được gần hơn", bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Kon Tumt, cho biết.
Ngoài ưu đãi cho người vay cá nhân, ngân hàng vừa quyết định dành hơn 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD để hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp. Với mức lãi suất thấp hơn từ 1 - 1,5%/năm so với thông thường. Nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra các gói vay ưu đãi, nhằm thúc đẩy nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Các ngân hàng cũng cho biết đang lên kế hoạch để giảm thêm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ trần cho vay ngắn hạn với nhóm này thêm 0,5 điểm % trong tuần trước.