Ngành dệt may, da giày gặp khó với lưu thông và nguồn lao động

Bùi Trang| 11/10/2021 17:07
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với diễn biến dịch bệnh tích cực, nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày đang khó khăn với vấn đề lưu thông giữa các địa phương và thiếu hụt người lao động.

 

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư, bắt đầu từ ngày 27/4/2021, có tác động mạnh mẽ hơn hẳn những làn sóng trước đây. Dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới các khu công nghiệp, khiến cho hàng nghìn người lao động bị nhiễm vi rút SAR-COV-2 và hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Trong tháng 9/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 3,06 tỷ USD, giảm 8,15% so với tháng trước và giảm 8.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của da giầy Việt Nam trong tháng 9 ước đạt 920 triệu USD, giảm 8,0% so với tháng 8/2021 và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Do tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã không thể trụ vững, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, thu nhập và phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói. Ngành dệt may-da giày đang đứng trước nguy cơ không thể đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đề ra như dự kiến trước đó. Trong 3 tháng cuối năm 2021, toàn ngành sẽ phải đối diện với vấn đề thiếu lao động trầm trọng do người lao động có xu hướng về quê tránh dịch, chưa quay trở lại làm việc ngay.

Theo kết quả khảo sát tháng 9 của Hiệp hội Dệt may (Vitas) và Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam được công bố tại buổi Đối thoại “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may – da giày Việt Nam” vừa qua cho thấy gần 70% doanh nghiệp dệt may và da giày tham gia khảo sát bị nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm trong năm 2021. Về phía người lao động dệt may và da giày, kết quả khảo sát cho thấy trong bối cảnh giãn cách kéo dài, người lao động đã bị những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, sức khỏe và kinh tế gần như kiệt quệ, trên 60% người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, Chính phủ cũng đã có định hướng chuyển từ trạng thái “không có COVID-19 sang thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất trở lại.

Tại buổi Đổi thoại nói trên, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Vitas cho biết thực hiện giãn cách, nhiều DN thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”; “1 cung đường - 2 điểm đến”, “4 xanh”… Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm, chi phí sản xuất rất lớn và nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao, đây chỉ là giải pháp tình thế cho một bộ phận DN và không thể kéo dài. Chưa kể, phương án phòng chống dịch giữa các địa phương không thống nhất, nơi đóng - nơi mở, nơi chặt - nơi lỏng… cũng là nguyên nhân gây ách tắc khâu vận chuyển nguyên phụ liệu và hàng hóa xuất khẩu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết vấn đề lớn nhất cả các DN dệt may, da giày hiện nay và các điều kiện mở cửa sản xuất, lưu thông quá phức tạp cùng với việc kéo người lao động trở lại làm việc. Thực tế hiện nay do tâm lý lo sợ lây nhiễm cùng với đời sống khó khăn, do không đi làm, không có thu nhập đã khiến hàng triệu người lao động rời bỏ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... đã trở về quê và không ít trong số đó là công nhân dệt may, da giày.

Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, người lao động là vốn quý nhất của DN, nhất là đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Cho nên, việc giữ chân người lao động, làm cho họ gắn bó với DN là giải pháp căn cơ mà mỗi DN phải làm; trong đó có các vấn đề cấp bách như tiêm vaccine, chế độ hỗ trợ...

Đáng chú ý, kết quả khảo sát tháng 9 của Hiệp hội Dệt may (Vitas) và Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho thấy phần lớn người lao động xác định muốn về quê trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân và con cái. 89% người lao động di cư và 96% người lao động địa phương muốn tiếp tục làm việc ở nhà máy hiện tại. Đây sẽ là tín hiệu khả quan cho thấy nếu được hỗ trợ tích cực kịp thời, người lao động sẽ sớm trở lại nhà máy. Tuy nhiên, nếu không được hỗ trợ, có thể sẽ phải mất 3-5 tháng để người lao động di cư trở lại nhà máy.

Có thể thấy, để công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch linh hoạt song hành cùng phương án sản xuất an toàn, kết hợp cùng các biện pháp hỗ trợ để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc và doanh nghiệp phục hồi sản xuất bền vững.

Được biết, trong tháng 9/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 3,06 tỷ USD, giảm 8,15% so với tháng trước và giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam trong tháng 9/2021 ước đạt 920 triệu USD, giảm 8,0% so với tháng 8/2021 và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành dệt may, da giày gặp khó với lưu thông và nguồn lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO