Kết nối

Ngành hồ tiêu kỳ vọng đạt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm nay

Nguyễn Huyền 04/05/2024 - 15:17

Ngày 4/5, giá tiêu chính thức đạt mốc 100.000 đồng/kg. Trong bối cảnh giá trong nước liên tục tăng đẩy giá tiêu xuất khẩu tăng theo, tính chung trong 4 tháng đầu năm, giá tiêu xuất khẩu tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo, thời gian tới giá hồ tiêu tiếp tục tăng giúp mặt hàng này có thể cán mốc xuất khẩu 1 tỷ USD.

hat-tieu-den.jpg
Ảnh minh họa

Các nguồn cung trên thế giới bị hạn chế đẩy giá tiêu tăng

Giá hồ tiêu cao nhất đang được ghi nhận tại các tỉnh Đắk Lắk và Bình Phước là 100.000 đồng/kg, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thương lái đang thu mua giá 99.500 đồng/kg. Các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Đồng Nai cùng giao dịch ở mức 99.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), đến hết tháng 4/2024, xuất khẩu tiêu tiếp tục tăng và ở mức cao nhất trong 11 tháng qua, đạt 27.000 tấn, với hơn 117 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và tăng 5,1% về giá trị so với tháng trước; tăng 2,2% về lượng và 40,4% về kim ngạch so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu đạt 83.783 tấn, với hơn 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng, nhưng tăng 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Tháng 4/2024 là tháng thứ 4 liên tiếp giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân tăng, đạt 4.342 USD/tấn, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 4 tháng đầu năm, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Thời điểm này năm ngoái, nhu cầu tăng đột biến từ thị trường Trung Quốc sau COVID-19 giúp xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh. Nhưng kết thúc năm 2023, giá xuống thấp khiến mục tiêu xuất khẩu tỷ USD bị lỡ hẹn. Năm nay, dù chỉ mới trải qua 1/3 thời gian của năm 2024 nhưng kim ngạch đã đạt trên 350 triệu USD.

Dự báo, thời gian tới giá hồ tiêu tiếp tục tăng sẽ giúp ngành nông sản này có thể cán mốc 1 tỷ USD trong năm nay. Dù Trung Quốc giảm mua mạnh nhưng nhờ nguồn cung thấp và đa dạng thị trường giúp hồ tiêu có nhiều khả năng đạt được mục tiêu đã định.

Quý II/2024, Trung Quốc sẽ tham gia vào thị trường

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết, các thị trường nhập khẩu hồ tiêu trong 3 tháng đầu năm nay có sự đột phá và điều chỉnh lớn ở một số thị trường, như Pakistan tăng 34,3%, Hoa Kỳ tăng 28,6% và đặc biệt thị trường Đức tăng 113%, Hàn Quốc tăng 179%, Ấn Độ tăng 19,6%. Trong số các thị trường nhập khẩu không thấy sự xuất hiện của Trung Quốc, đến nay sự tham gia của họ rất mờ nhạt và trong 3 tháng đầu năm 2024 Trung Quốc chỉ mới nhập khẩu 1.000 tấn hồ tiêu.

“Trung Quốc chưa có nhu cầu nhập khẩu có thể do lượng tồn kho của năm trước vẫn còn, có thể do năm ngoái họ đã nhập khẩu gần 60.000 tấn và lượng tiêu mua trong những năm trước COVID-19 vẫn còn dôi dư, nên bây giờ họ tham gia thị trường rất yếu. Song có dấu hiệu cho thấy, trong quý II này Trung Quốc sẽ tham gia thị trường, đầu tiên là mặt hàng tiêu trắng và sau đó là tiêu đen”, Chủ tịch VPSA nói.

Theo bà Liên, tiêu là loại nông sản có số lượng giao dịch trên thị trường lớn và đã qua chu kỳ điều chỉnh giá, năm 2014 - 2015 giá tiêu đạt mức là 120.000 - 150.000 đồng/kg nhưng đến năm 2020 giá tiêu chỉ còn 50.000 đồng/kg, bây giờ tiêu đang quay trở lại chu kỳ giá cộng với lực đẩy của thị trường.

Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tích cực lên giá tiêu là do các nguồn cung trên thế giới đều bị hạn chế chứ không riêng gì Việt Nam. Ngay cả Indonesia, Ấn Độ cũng bị hạn chế nguồn cung và các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka và đặc biệt là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu là Brazil và Việt Nam đều bị giảm sản lượng.

“El Nino gây hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản lượng tiêu toàn cầu giúp hỗ trợ giá tiêu trên thị trường xuất khẩu. Từ tháng 10/2023 đến tháng 2 - 3/2024, Việt Nam vào mùa thu hoạch, giá tiêu tăng mạnh giúp bà con thêm thu nhập và hỗ trợ cho những năm giá tiêu rơi xuống mức thấp thậm chí không có lãi như năm 2019-2020”, bà Liên nói.

Để giữ vị thế số 1, cần đảm bảo nguồn cung vẫn ở mức 190.000 tấn/năm

Bên cạnh yếu tố giá thì những động thái bán hàng của nông dân như “bán hay không bán, bán cấp tập hay bán nhỏ giọt” trong thời gian qua cũng đã tác động đến giá tiêu trên thị trường. Trong khi đó, với mức giá như hiện nay người mua chưa muốn chấp nhận và đứng ở góc độ tiêu dùng thì họ muốn có sự liên kết để không tạo ra lượng đơn hàng ồ ạt nhằm giữ giá lại, đó là sự giằng co giữa bên mua và bên bán.

Đánh giá tình hình chung, Chủ tịch VPSA cho rằng, bây giờ hiệp hội và doanh nghiệp cũng như bà con nông dân cần làm hai việc, đó là cố gắng giữ diện tích đất sản xuất để sản lượng tiêu cung ứng ra thị trường hàng năm không bị sụt giảm, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến vị thế số 1 của ngành hồ tiêu Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

“Phải đảm bảo nguồn cung ra thị trường khoảng 190.000 tấn/năm như hiện nay, nếu không đến một ngày nào đó 2 hoặc 3 năm hay xa hơn nữa Brazil có khả năng mở rộng diện tích canh tác ồ ạt và bám đuổi Việt Nam, khi đó chúng ta khó giữ vị thế nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 toàn cầu”, bà Liên nói.

Muốn vậy, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, hiệp hội cùng phối hợp với doanh nghiệp và địa phương hỗ trợ bà con và ưu tiên quan tâm đến cây tiêu, nếu không khéo cây tiêu sẽ được thay thế bằng các loại cây trồng khác đang kinh tế hơn như sầu riêng, cà phê. Trong 25 năm qua chưa bao giờ giá cà phê lại rượt đuổi và vượt qua giá hồ tiêu như hiện nay, đây là dấu hiệu khiến VPSA và doanh nghiệp rất lo lắng.

“Tháng 9/2023, khi đi khảo sát các vườn tiêu bà con có nói nếu giá tiêu cứ thấp như vừa rồi họ không muốn trồng tiêu nữa, nhưng đến thời điểm thu hoạch xong thì giá tiêu đã được 100.000 đồng/kg, với mức giá này VPSA có căn cứ để hy vọng bà con giữ vững diện tích cây tiêu trong tương lai. Nếu sản lượng tiêu của Việt Nam sụt giảm mạnh sẽ không thể quyết định giá tiêu trên thị trường toàn cầu và hiện nay “nhất cử, nhất động” trên thị trường hầu hết doanh nghiệp, người mua thế giới đều đến Việt Nam quan sát và tìm nguồn hàng”, Chủ tịch VPSA khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành hồ tiêu kỳ vọng đạt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO