Kết nối

Cắt giảm thủ tục hành chính thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Thanh Thanh 23/04/2025 16:33

85 thủ tục hành chính thuế đã được cắt giảm và tới đây, các thủ tục tiếp tục cắt giảm cả về số lượng, thời gian, chi phí tuân thủ. Theo lãnh đạo Cục Thuế, toàn ngành đang nỗ lực chuyển từ “quản lý hành chính” sang “phục vụ”, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…

hoi-thao-thue.png
Quang cảnh hội thảo

Cắt giảm 85 thủ tục hành chính thuế

Tại Hội thảo lấy ý kiến về phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuế do Cục Thuế tổ chức, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, từ năm 2020 đến nay, Tổng cục Thuế trước sáp nhập, nay là Cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành 16 quyết định, công bố mới 53 TTHC, sửa đổi bổ sung 220 TTHC, bãi bỏ 133 TTHC.

Hiện bộ TTHC thuế đã được tinh gọn từ 304 TTHC xuống còn 219 TTHC, trong đó 134 thủ tục đã đạt mức độ dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 61,2%), với 48% tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

“Những kết quả trên thể hiện quyết tâm cao độ của ngành Thuế trong việc chuyển từ tư duy “quản lý hành chính” sang “phục vụ”, với phương châm nhất quán “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, ông Minh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Thuế, cải cách TTHC không phải là đích đến mà là quá trình liên tục, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, có hệ thống và trách nhiệm.

“Cục Thuế đã tiến hành rà soát toàn diện 219 TTHC thuế và dự kiến đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 127 TTHC thuế, gồm 97 TTHC đề xuất cắt giảm; 30 TTHC đề xuất đơn giản hóa…”, ông Minh thông tin.

Cùng với đó, ngành Thuế đặc biệt chú trọng cắt giảm, đơn giản hóa TTHC dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa. Tập trung nâng cấp 100% các TTHC thuế đủ điều kiện lên mức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tích hợp với Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính để đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên thông điện tử. Đồng thời, nghiên cứu rà soát để đề xuất các phương án cắt giảm các TTHC không cần thiết, đơn giản hóa các TTHC thông qua việc giảm bớt thành phần hồ sơ, biểu mẫu, giấy tờ…

“Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, thì cải cách TTHC không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà còn là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn, góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế…”, Phó Cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định.

Tiếp tục cắt giảm thời gian, chi phí tuân thủ

Chia sẻ về giải pháp cải cách TTHC giai đoạn 2025- 2026, Phó Chánh Văn phòng Cục Thuế Nguyễn Hữu Hùng cho biết, Cục Thuế đặt mục tiêu năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ngay TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC.

Năm 2026, cắt giảm 50% thời gian giải quyết TTHC, 50% chi phí tuân thủ TTHC so với năm 2024; 100% chế độ báo cáo của doanh nghiệp được thực hiện điện tử; 100% TTHC đủ điều kiện được thực hiện trực tuyến toàn trình.

Để đạt được mục tiêu đó, Cục Thuế xác định một loạt nhiệm vụ cần triển khai trong giai đoạn năm 2025-2026. Đó là: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tổng hợp, thống kê đầy đủ thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ của các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; Rà soát các TTHC thuế hiện hành để đề xuất sửa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa TTHC giai đoạn 2025-2026.

Đặc biệt, điện tử hóa các TTHC thuế lên mức dịch vụ công toàn trình để áp dụng trên môi trường điện tử, bảo đảm thông suốt, liền mạch, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hoá, lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên thông điện tử; Đảm bảo việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC phải có cơ sở, đảm bảo tính thực tiễn và không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách và gian lận thuế; Đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về thuế

Cụ thể, theo Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Hữu Hùng, ngành Thuế sẽ ứng dụng mạnh mẽ CNTT và tự động hóa trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người nộp thuế; Kiên quyết loại bỏ những thủ tục không cần thiết, các TTHC có tính chất tương đồng, không mang lại lợi ích cho người nộp thuế; Hạn chế tối đa việc người nộp thuế phải khai báo thông tin nhiều lần trong khi cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác đã sẵn có và được liên thông; Cắt giảm tối đa các thành phần hồ sơ, thông tin phải khai báo không cần thiết; TTHC cần đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý của cơ quan quản lý thuế, yêu cầu kết nối thông tin với cơ quan nhà nước có liên quan và sẵn sàng cho việc số hóa, tự động hóa toàn trình.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cải cách TTHC thuế là xu thế toàn cầu. Từ kinh nghiệm nghiên cứu, học hỏi được, ngành Thuế hiểu rằng, để cải cách TTHC một cách thực chất và hiệu quả, Cục Thuế rất cần sự đồng hành và những góp ý, chia sẻ từ các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cắt giảm thủ tục hành chính thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO