Thứ Tư, 2/4/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Nếu Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các ngành FDI định hướng xuất khẩu như máy tính, điện thoại di động, sản phẩm điện tử, máy móc và dụng cụ sẽ là những ngành dễ bị tổn thương nhất.
Đây là nhận định được đưa ra bởi ông Nguyễn Lý Thanh Lương, CFA, ACCA, FMVA – Trưởng nhóm Phân tích – CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) trong cuộc trò chuyện với phóng viên của Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ.
Phóng viên: Trong bối cảnh Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, rủi ro Việt Nam bị áp thuế quan đối ứng do yếu tố thâm hụt thương mại lớn với Mỹ vẫn còn hiện hữu. Nếu Việt Nam bị áp thuế quan đối ứng, điều này sẽ tác động ra sao đến tỷ giá hối đoái?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Nếu Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, điều này có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ – thị trường chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến thặng dư thương mại thấp hơn và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam suy giảm, từ đó dẫn tới rút ròng vốn nước ngoài và đồng Việt Nam mất giá thêm.
Cụ thể, trong ngắn hạn, việc áp thuế bổ sung nhiều khả năng sẽ làm giảm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ do chi phí hàng hóa cao hơn và nhu cầu tiêu dùng giảm. Sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ của các ngành hàng này sẽ dẫn đến thặng dư thương mại của Việt Nam bị thu hẹp. Theo báo cáo gần đây của chúng tôi về tác động dự kiến của mức thuế mới của Mỹ, các ngành FDI định hướng xuất khẩu như máy tính, điện thoại di động, sản phẩm điện tử, máy móc và dụng cụ sẽ là những ngành dễ bị tổn thương nhất trước các mức thuế cao hơn. Các ngành này đóng góp khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp chính vào thặng dư thương mại của Việt Nam trong năm 2024.
Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu giảm sẽ làm suy yếu khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 của Việt Nam, đồng thời làm giảm lợi nhuận của các nhóm ngành xuất khẩu. Điều này cũng sẽ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến thu hút dòng vốn đầu tư mới của Việt Nam. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 1 tỷ USD trên thị trường cổ phiếu niêm yết của Việt Nam, phản ánh mối lo ngại trước nguy cơ thuế quan đối với Việt Nam.
Phóng viên: Những tác động đó liệu có thể khiến các dòng vốn ngoại e dè hơn trong việc đầu tư vào thị trường Việt Nam, thưa ông?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Chính phủ Mỹ liên tục đưa ra thay đổi các thông báo khác nhau về dự định thuế quan của mình, dẫn tới yếu tố khó đoán định định xung quanh mức thuế mới mà Mỹ dự kiến công bố vào ngày 2/4 (giờ Mỹ), bởi:
Thứ nhất, nếu Mỹ áp dụng cùng một mức thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và các quốc gia khác, điều đó có nghĩa là lợi thế cạnh tranh tương đối giữa các quốc gia sẽ được giữ nguyên. Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ liệu các mức thuế này sẽ được áp dụng trong ngắn hạn hay dài hạn.
Thứ hai, bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều khoản đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, không nhất thiết để phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Phóng viên: Bên cạnh những vấn đề liên quan đến chính sách thuế quan đang “nóng” hiện nay, việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất ở mức cao có thể tạo áp lực lên tỷ giá ra sao?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Việc áp thuế cao hơn đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ đẩy giá hàng tiêu dùng tăng lên và làm suy yếu nỗ lực kiềm chế lạm phát tại nước này. Điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch cắt giảm lãi suất của FED và khiến FED duy trì lãi suất USD ở mức cao nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát quay trở lại.
Nếu FED giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn, đồng USD có khả năng sẽ tiếp tục tăng giá so với VND do chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền. Mức chênh lệch này kéo dài sẽ dẫn tới nhu cầu nắm giữ ngoại tệ hoặc vàng cao hơn, gây áp lực thêm lên tỷ giá.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 30% tổng xuất khẩu hàng hóa) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Năm 2024 tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Mỹ đạt 15 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Thâm hụt thương mại của Mỹ đạt khoảng 104 tỷ USD (gấp 7 lần trị giá nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ).