Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng An Giang: Huy động vốn tích cực giúp mở rộng tín dụng

ThS. Trần Trọng Triết 31/10/2024 - 11:47

Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương trên tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã về các chính sách của ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đã nỗi lực huy động vốn tích cực giúp mở rộng tín dụng.

Nhằm để có nguồn vốn tại chỗ, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh công tác huy động vốn, quảng bá, chăm sóc khách hàng và triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp nên vốn huy động có mức tăng trưởng khá cao.

Quan sát thị trường tiền tệ, thời gian gần đây, lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn ở mức 0,1% - 0,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 1,6% - 3,8%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng có lãi suất từ 2,0% - 6,0%/năm và tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng từ 4,7% - 6,0%/năm. Về lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Ước 10 tháng năm 2024, tổng huy động vốn trên địa bàn tỉnh tăng trưởng tích cực khi đạt 71.856 tỷ đồng, tăng 1,74% so cuối năm 2023 và tăng 8,45% so với cùng kỳ. Trong đó: huy động tiền gửi đạt số dư 70.674 tỷ đồng, chiếm 98,36%/tổng vốn huy động; phát hành giấy tờ có giá đạt 1.182 tỷ đồng, chiếm 1,64%/tổng số dư vốn huy động.

ag.jpg

Về huy động vốn phân theo thị phần, chi nhánh các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và có vốn chi phối của nhà nước đạt 29.248 tỷ đồng, chiếm 40,97%; chi nhánh NHTM cổ phần đạt 38.241 tỷ đồng, chiếm 53,57%; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 959 tỷ đồng, chiếm 1,34%; Qũy Tín dụng nhân dân đạt 2.904 tỷ đồng, chiếm 4,07%; tài chính vi mô CEP Long Xuyên đạt 34,57 tỷ đồng, chiếm 0,05%. Kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng trên địa bàn…

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang cho biết, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang có xu hướng tăng trưởng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng và tăng trưởng tín dụng có hiệu quả.

Ở góc độ kinh tế vĩ mô, ông Dũng cho rằng, quy mô nguồn vốn huy động qua hệ thống ngân hàng tăng trưởng là những tín hiệu tích cực về luân chuyển vốn trong nền kinh tế.

Trong đó, yếu tố đầu tư công, tích lũy và tiêu dùng đã và đang diễn biến theo xu hướng tốt hơn. “Tất cả các bộ phận tiền gửi, nếu phân tích theo tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân; tiền gửi tiết kiệm dân cư và tổ chức tín dụng phát hành giấy tờ có giá, đều có tốc độ tăng trưởng dương trong 10 tháng đầu năm”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang nhận định.

Đồng thời, nguồn vốn huy động tăng trưởng tích cực sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng trên địa bàn đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cuối năm của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn, thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về mặt kỹ thuật, ông Dũng phân tích: “Khi tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động có tốc độ tăng trưởng khả quan, các tổ chức tín dụng không chỉ thuận lợi hơn cho việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng mà còn tạo dư địa trong khai thác và sử dụng vốn mang lại hiệu quả cao nhất với lãi suất hợp lý và tốt nhất cho cả ngân hàng và khách hàng, góp phần tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu giữ ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng”.

Theo quy định hiện hành, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn đối với VND của các ngân hàng thương mại hiện nay vẫn đang áp dụng ở mức tối đa 0,5%/năm, lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tối đa 4,75%/năm, các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên các tổ chức tín dụng được thỏa thuận lãi suất huy động theo cung cầu thị trường.

Trên thị trường tiền gửi hiện nay, nhóm các ngân hàng thương mại quy mô lớn áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên bình quân ở mức trên 5%/năm, nhóm các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ áp dụng lãi suất tiền gửi lãi suất trên 6%/năm.

Bên cạnh đó, cá biệt có ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất tiền gửi từ 7%/năm, nhưng phải có điều kiện gửi tiền số lượng lớn và kỳ hạn rất dài và cam kết trả lãi cuối kỳ.

Bức tranh tiền gửi vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng cho thấy kênh tiết kiệm vẫn vượt qua các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… Vì dù các kênh này có thể mang lại khả năng sinh lời cao nhưng rủi ro cũng lớn. Do vậy, người dân vẫn lựa chọn kênh gửi tiết kiệm vì quyền lợi của họ luôn được bảo đảm, khả năng sinh lời cũng tương đối khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã tăng trở lại.

Chưa kể người dân còn có thể gửi tiết kiệm online ngay trên ứng dụng của các ngân hàng với lãi suất còn cao hơn gửi tại quầy kèm nhiều ưu đãi khác. Không chỉ vậy, cũng có rất nhiều sản phẩm tiền gửi được các ngân hàng thiết kế tuỳ theo “khẩu vị đầu tư” của từng nhóm khách hàng. Điều này giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn đối với khả năng sinh lời từ tiền nhàn rỗi của mình. Đây là những yếu tố giúp tiết kiệm là kênh đầu tư sáng giá trong bối cảnh hiện tại.

Thời gian cuối năm là thời điểm nhu cầu về vốn của người dân, doanh nghiệp sẽ tăng cao để mở rộng sản xuất, kinh doanh phục vụ dịp Tết. Việc huy động vốn tốt hỗ trợ tích cực thanh khoản của các ngân hàng, giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để cho vay. Tính đến cuối tháng 10/2024, dư nợ tín dụng ước đạt 122.358 tỷ đồng, tăng 8,74% so với cuối năm 2023, điều này cho thấy các ngân hàng đang làm rất tốt nhiệm vụ trung gian luân chuyển vốn trong nền kinh tế.

Mặt khác, việc huy động vốn tốt cũng giúp các tổ chức tín dụng thuận lợi hơn cho việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng. Từ đó, góp phần tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu giữ ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng An Giang: Huy động vốn tích cực giúp mở rộng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO