(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã có cuộc phỏng vấn ông Lưu Trung Thái – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Việc Việt Nam ký kết thành công một loạt các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra những cơ hội, đồng thời đặt ra thử thách mới cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó có bài toán về nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực.
Phóng viên (P/V): Những cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng khi Việt Nam tham gia CPTPP là gì, thưa ông?
Ông Lưu Trung Thái - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội |
Ông Lưu Trung Thái: Theo tôi, việc tham gia CPTPP của Việt Nam mang lại cho hệ thống ngân hàng nhiều cơ hội mới cũng như những thách thức, nhưng nếu biết tận dụng thì đó là những thách thức tích cực.
Những cơ hội lớn:
Thứ nhất, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt thanh toán hỗ trợ giao thương. CPTPP giúp bãi bỏ hàng rào thuế quan, tăng cường phát triển nền sản xuất và xuất khẩu. Hệ thống ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi khi có thể hỗ trợ vốn và các dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu như dệt may, thủy hải sản,… và các đơn vị trung gian như ngân hàng chắc chắn sẽ được hưởng lợi.
Thứ hai, thu hút dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. CPTPP giúp bãi bỏ các điều kiện hạn chế về đầu tư dịch vụ với các nước tham gia. Do đó, các dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng mạnh. Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp cận được với dòng vốn lớn với chi phí thấp.
Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hệ thống ngân hàng sẽ có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh khi Việt Nam tiếp cận những nhà đầu tư lớn của nước ngoài và cạnh tranh sòng phẳng với các ngân hàng ngoại. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn có cơ hội tiếp cận các nền tảng hệ thống khác trong thời đại công nghệ 4.0, cũng như nhận được sự tư vấn để nâng cao năng lực quản trị từ những tiêu chuẩn mà các nhà đầu tư lớn nước ngoài đặt ra.
Những thách thức:
Thứ nhất, đối mặt với sự cạnh tranh từ các định chế tài chính lớn quốc tế với nguồn vốn, kinh nghiệm và nguồn lực mạnh hơn. CPTPP cho phép các định chế tài chính nước ngoài cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính cho các quốc gia thành viên mà không phải thành lập chi nhánh. Với thế mạnh vượt trội về công nghệ, nguồn vốn, điều hành,… họ sẽ gây sự cạnh tranh lớn đối với hệ thống ngân hàng trong nước, đặc biệt ở thị phần bán lẻ tại phân khúc cao và doanh nghiệp FDI. Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác, đây có thể coi là mặt tích cực nhằm giúp các NHTM Việt Nam tự hoàn thiện mình và lớn lên. Chỉ có cạnh tranh mới tạo ra sự phát triển cho xã hội.
Thứ hai, xuất hiện nhiều biến số rủi ro đến từ bên ngoài khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tham gia CPTPP đồng nghĩa với việc nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động nhiều hơn nữa từ các yếu tố bên ngoài. Biến động về kinh tế chính trị của bất kỳ nước thành viên CPTPP nào cũng sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế Việt Nam như biến động về tỷ giá, dòng vốn, chứng khoán,…
Thứ ba, nguy cơ chảy máu chất xám trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn của nước ngoài sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nước thành viên. Vì vậy, rủi ro chảy máu chất xám nguồn nhân lực chất lượng cao tại hệ thống ngân hàng Việt Nam là lớn nếu không có cơ chế đãi ngộ đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn tài chính khác trong khu vực CPTPP.
P/V: Ông có thể dự báo nhu cầu và biến động nguồn nhân lực ngân hàng khi Việt Nam thực thi CPTPP?
Ông Lưu Trung Thái: Trước tiên, tôi cho rằng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ gia tăng. Để có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thị trường khi Việt Nam chính thức gia nhập CPTPP, nguồn nhân lực của ngân hàng cần được cải thiện về mặt chất lượng. Ở một khía cạnh khác, khi các ngân hàng, tập đoàn kinh tế nước ngoài xâm nhập vào thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam, họ sẽ quyết liệt cạnh tranh để thu hút được nhóm nhân sự chất lượng cao. Do đó, sẽ có sự chuyển dịch không nhỏ nguồn nhân lực từ các NHTM của Việt Nam sang các ngân hàng, tập đoàn của nước ngoài.
Thứ hai, cơ cấu nguồn nhân lực ngân hàng sẽ thay đổi. Trong bối cảnh, kinh tế số, ngân hàng số đang tác động trực tiếp đến mọi hoạt động ngân hàng, thì cạnh tranh sẽ buộc các ngân hàng phải tìm cách tăng năng suất lao động. Muốn tăng năng suất, ngoài các cơ chế chính sách đãi ngộ như trả lương theo kết quả lao động,... các ngân hàng phải ứng dụng công nghệ, tăng cường tự động hóa. Tôi dự đoán nhiều công việc, công đoạn trong ngân hàng sẽ được tự động hóa để tối đa hóa lợi nhuận cũng như nâng cao hiệu suất hoạt động và nâng cao tính cạnh tranh.
P/V: Vậy ông đánh giá chất lượng nhân lực ngân hàng Việt Nam hiện nay như thế nào?
Ông Lưu Trung Thái: Là người trực tiếp điều hành hoạt động NHTM, tôi thấy nhân lực ngành Ngân hàng Việt Nam hiện nay vừa thiếu vừa thừa. Nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực cho ngành tài chính ngân hàng khá dồi dào nhưng nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là nhân lực cấp cao trong các lĩnh vực quản trị rủi ro, chiến lược, đầu tư tài chính và công nghệ vẫn khan hiếm.
Tuy nhiên, tôi cũng như lãnh đạo các ngân hàng đều có niềm tin về chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng sẽ sớm được nâng cao với tốc độ và quyết tâm nhiều hơn giai đoạn trước. Do chúng ta may mắn sở hữu 70% lực lượng lao động trẻ dưới 30 tuổi, ham học hỏi và thích ứng nhanh, đồng thời có cơ hội tiếp nhận rất nhiều tài nguyên tri thức được chia sẻ qua hội nhập kinh tế sâu rộng.
P/V: Trên cương vị là người lãnh đạo một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, xin ông cho biết NHTM Việt Nam cần làm những gì để nâng cao năng lực cạnh tranh trước yêu cầu của CPTPP?
Ông Lưu Trung Thái: Nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quyết định tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung và của ngân hàng thương mại nói riêng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngân hàng cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, tăng cường nhân sự chất lượng cao, có thể xem xét tuyển dụng nhân sự nước ngoài với kiến thức và trải nghiệm quốc tế.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần chú ý phát triển các yếu tố nền tảng. Nền tảng không chỉ là công nghệ mà còn là các hệ thống như hệ thống thông tin báo cáo, tài chính, quản trị rủi ro, vận hành…; tăng cường ứng dụng công nghệ, số hóa các hoạt động truyền thống của ngân hàng để tạo sự thuận tiện cho khách hàng và tăng năng suất. Đồng thời, cần tổ chức khai thác, kinh doanh trong hệ sinh thái số.
Thứ ba, các ngân hàng cần xây dựng và triển khai các quy định quy chuẩn theo thông lệ quốc tế như Basel II và tiến tới là Basel III, chuẩn mực kế toán IFRS, đảm bảo ngân hàng hoạt động minh bạch, bền vững khi hội nhập vào nền tài chính quốc tế.
Thứ tư, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, triển khai các sản phẩm dịch vụ theo xu hướng hiện đại, bắt kịp với quốc tế để đảm bảo tính cạnh tranh khi nền tài chính có sự tham gia sâu rộng hơn của các định chế tài chính nước ngoài. Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển các sản phẩm công nghệ cao như ngân hàng số, các sản phẩm tài chính công nghệ…
Thứ năm, các ngân hàng cần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng năng lực tài chính, tăng cường sức khỏe của ngân hàng đảm bảo ngân hàng hoạt động bền vững, cải thiện và tăng cường các chỉ số hoạt động của ngân hàng.
Riêng đối với MB, giai đoạn 2017- 2021, MB xác định tầm nhìn trở thành “Ngân hàng thuận tiện nhất Việt Nam” với mong muốn tạo sự kết nối chặt chẽ giữa MB với khách hàng – đối tác – nhà đầu tư - nhân viên bằng chất lượng dịch vụ và hiệu quả cao nhất. Hiện tại, MB đã và đang chuẩn bị từng bước để có thể bắt kịp và cạnh tranh được trên thị trường khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực.
Thứ nhất, về hoạt động kinh doanh, MB đã tiến hành nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp các hệ thống lõi, tự động hóa nhiều khâu trong hệ thống quy trình tác nghiệp. MB đã triển khai ra mắt dịch vụ ngân hàng số. Theo đó, toàn bộ các giao dịch, nghiệp vụ như thanh toán, chuyển tiền, cho vay, huy động,… đều được thực hiện trên nền tảng online, tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như chi phí. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phát triển một số mô hình mới như chi nhánh rất ít người phục vụ. Khách hàng đến giao tiếp hoàn toàn với các thiết bị thông minh và khi đó nhân viên ngân hàng chỉ đóng vai trò hướng dẫn khách hàng trải nghiệm dịch vụ thay vì phải trực tiếp thao tác các nghiệp vụ.
Thứ hai, về công tác nhân sự, MB không ngừng cải thiện chất lượng đội ngũ nhân sự. Ngoài việc thu hút những nhân sự chất lượng cao từ bên ngoài, kể cả trong ngành và ngoài ngành, chúng tôi liên tục tổ chức các khóa đào tạo và nâng chuẩn cho cán bộ.
Với nền tảng về công nghệ, nguồn lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, MB sẽ ngày càng lớn mạnh, cạnh tranh tốt với các tập đoàn tài chính lớn nước ngoài khi CPTPP được thực thi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!