Ngành Ngân hàng chủ động ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Ngô Hải| 15/01/2021 08:25
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng chống, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Đây là thông tin được đưa ra trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) gửi cử tri tỉnh Long An. Văn bản cho biết, sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, NHNN nhận được kiến nghị của cử tri cho biết, thời gian qua, tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng cũng trở thành vấn đề rất đáng lưu ý với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp, sự suy thoái đạo đức của cán bộ thực thi nhiệm vụ, một số vụ vi phạm có tổ chức, hành vi vi phạm ngày càng nghiêm trọng. 

Trên cơ sở đó, cử tri Long An với đề nghị: “Ngành Ngân hàng có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý tiền tệ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thực hiện có kết quả các biện pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng”.

Các sai phạm xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân cơ bản

Trả lời vấn đề cử tri quan tâm, NHNN cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng chống, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, do tính chất nhạy cảm, phức tạp của lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngành Ngân hàng vẫn tiếp tục phát sinh những vụ việc sai phạm. NHNN cho biết, các sai phạm này xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân cơ bản sau:

Về nguyên nhân chủ quan từ phía TCTD và cán bộ, nhân viên: (i) Hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số TCTD chưa được củng cố thường xuyên, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành; (ii) Các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ, các quy trình, thủ tục nghiệp vụ của một số TCTD còn bất cập, chưa chặt chẽ (đặc biệt là trong hoạt động cấp tín dụng, thẩm định cho vay, đầu tư tài chính, thanh toán, chuyển tiền) dẫn đến các đối tượng bên ngoài lợi dụng để gây thiệt hại cho TCTD; (iii) Một số TCTD chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN về bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động, nhất là các quy định về bảo đảm an toàn kho, quỹ, giao dịch tiền mặt; (iv) Một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội; (v) Phương tiện chống lại tội phạm công nghệ cao tấn công từ ngoài của các ngân hàng còn hạn chế…

Về nguyên nhân khách quan từ thực trạng kinh tế - xã hội và các đối tượng tội phạm khác: (i) Do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn trước nên những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế nước ta nói chung, các TCTD nói riêng đã dồn tích lại từ lâu, nay bộc lộ đầy đủ, rõ ràng. Điều này đã làm nảy sinh ngày càng nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, trong đó ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn các loại tội phạm cũng như những cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng và có các hành vi vi phạm pháp luật. (ii) Trong nhiều vụ việc, khách hàng vay có hành vi lừa đảo, cố ý làm trái, giả mạo giấy tờ, con dấu, cung cấp thông tin thiếu trung thực để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.…; (iii) NHNN được Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề, đặc biệt là các nhiệm vụ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu. Trong điều kiện hành lang pháp lý chưa đồng bộ, nguồn lực triển khai các nhiệm vụ được giao còn hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và chất lượng công tác thanh tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong ngành Ngân hàng.​

NHNN cho biết, qua công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng và kết quả điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong thời gian qua và trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động ngân hàng, NHNN đã tổng hợp và phân loại thành 10 nhóm hành vi vi phạm phổ biến.

Để quán triệt và cảnh báo trong toàn hệ thống, ngày 11/10/2017, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-NHNN về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính (Chỉ thị số 07/CT-NHNN). Theo đó, NHNN đã yêu cầu Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) các TCTD khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra và có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định pháp luật; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, quy trình nội bộ, bảo đảm minh bạch, chặt chẽ, không tạo sơ hở để lợi dụng, sai phạm.

Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của loại hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, trong thời gian qua, NHNN đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, vi phạm pháp luật như: (i) hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành của NHNN trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; (ii) nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; (iii) chỉ đạo, yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và TCTD quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của NHNN trong việc ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật; (iv) tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống các TCTD, nâng cao trật tự, kỷ cương và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng...

Các giải pháp ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời gian tới

Về giải pháp trong thời gian tới, NHNN cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm để kịp thời phát hiện các rủi ro, sai phạm trong hoạt động của các TCTD và có các biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, thường xuyên chỉ đạo Giám đốc và Chánh Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý TCTD trên địa bàn và chịu trách nhiệm nếu TCTD xảy ra sai phạm.

Thứ ba, thường xuyên rà soát các quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, không để sơ hở để tổ chức, cá nhân có thể lợi dụng và cố tình sai phạm.

Thứ tư, chỉ đạo, chấn chỉnh các TCTD nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, rà soát các quy định, quy trình nội bộ, tăng cường trình độ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tăng cường công tác an ninh, an toàn tại các điểm giao dịch, phòng ngừa tội phạm cướp tiền tại ngân hàng, đảm bảo an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt; chú trọng đến công tác an ninh, an toàn hệ thống thông tin để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo khách hàng của các ngân hàng trên không gian mạng.

Thứ năm, tăng cường hơn nữa sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa NHNN và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện, cảnh báo và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Tích cực chủ động và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng của các tập thể và cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng chủ động ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO