Nhiều ngân hàng Việt Nam sẽ đầu tư vào việc phòng chống tội phạm tài chính trong năm tới

Thanh Thanh| 07/09/2020 17:33
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bất chấp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có đến 96% ngân hàng Việt Nam (tham gia trả lời một khảo sát) cho biết sẽ đầu tư vào việc phòng chống tội phạm tài chính trong năm tới.

Đầu tư vào công nghệ tuân thủ

Khảo sát gần đây của Công ty phần mềm phân tích toàn cầu FICO cho thấy phần lớn các ngân hàng (93%) trên khắp châu Á - Thái Bình Dương có khả năng tiếp tục chi tiêu cho công nghệ phục vụ việc nâng cấp hoặc tăng cường hệ thống tuân thủ của họ.

Tuy nhiên, tại các trung tâm tài chính, những khu vực quan trọng như Singapore và Hồng Kông, chỉ có hai phần ba số người được hỏi cho biết ngân hàng của họ có khả năng sẽ bắt đầu đầu tư mới vào công nghệ tuân thủ, có thể do họ đã chi tiêu đáng kể trong lĩnh vực này trong những năm gần đây.

Trong khi đó, tại Việt Nam, 96% ngân hàng cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư tuân thủ trong năm tới và 27% có kế hoạch để tăng đáng kể khoản đầu tư này vào năm 2021.

Tổng mức đầu tư vào công nghệ tuân thủ của các ngân hàng ở châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng vào năm 2021. 49% số ngân hàng được hỏi cho biết ngân sách sẽ tăng, với 34% dự kiến sẽ tăng đáng kể. Điều thú vị là, các ngân hàng nước ngoài nghiêng về chi tiêu mới so với các đối tác trong nước. Indonesia, Australia, Thái Lan và Philippines là những thị trường cho biết sẽ đầu tư nhiều nhất vào năm 2021.

Ông Timothy Choon, Trưởng bộ phận Tội phạm Tài chính của FICO tại châu Á-Thái Bình Dương cho biết, cuộc khảo sát này được thực hiện vào tháng 5 cho thấy ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế gần đây do đại dịch gây ra, các ngân hàng vẫn cam kết chi tiêu có mục tiêu giúp tăng khả năng phòng thủ tuân thủ chống rửa tiền (AML) của họ.

"Mức độ sẵn sàng tăng lên về nhận thức về sự tuân thủ và về gian lận như một nguy cơ tội phạm tài chính phổ biến - một kẻ lừa đảo có nhiều khả năng sẽ rửa tiền và ngược lại"- Đại diện FICO nói và khẳng định, sự hội tụ này là một xu hướng toàn cầu. Các ngân hàng ở Mỹ và Anh đang trong quá trình tích hợp đầy đủ các chức năng tuân thủ và chống gian lận của họ, tập hợp các nhóm, lãnh đạo và công nghệ.

“Chúng tôi tin rằng các ngân hàng ở châu Á - Thái Bình Dương đang hướng đến những thị trường này để xem những gì sẽ có hiệu quả, với kế hoạch thực hiện nhanh chóng trong 24-36 tháng tới", ông Timothy Choon quả quyết,

AI sẽ giúp ngăn chặn hoạt động rửa tiền hiệu quả hơn

Khảo sát của FICO cũng tiết lộ rằng trong khi 95% các ngân hàng Việt Nam tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tăng cường các nỗ lực chống rửa tiền, nhiều người vẫn không chắc chắn làm thế nào để vận hành công nghệ tiên tiến này.

Ngược lại, khi được hỏi về hiệu quả của công nghệ cũ dựa trên các quy tắc (rule-based), 64% ngân hàng Việt Nam cho biết họ vẫn tin vào khả năng của các hệ thống AML này, mặc dù 45% cho biết họ gặp phải những khó khăn đáng kể khi điều chỉnh chúng.

Ông Timothy Choon cho biết: "Các hệ thống tuân thủ dựa trên các quy tắc tiếp tục là chủ lực của các ngân hàng ở châu Á - Thái Bình Dương khi chống tội phạm tài chính".

"Tuy nhiên, một số ngân hàng áp dụng sớm đang bắt đầu bước vào thế giới mới của AI và nhận ra rằng các hệ thống dựa trên quy tắc có từ hàng thập kỷ qua không thể tự mình theo kịp các mối đe dọa tinh vi. Bí quyết là vận hành công nghệ AI tiên tiến và khiến nó hoạt động song song với các hệ thống dựa trên quy tắc. Trên thực tế, 20% số ngân hàng được khảo sát chọn đây là trở ngại chính của họ trong việc đáp ứng các mục tiêu giảm thiểu rủi ro tội phạm tài chính", Đại diện FICO nói.

Khảo sát cho thấy những thách thức chính đối với các giải pháp tuân thủ AML hiện có trong khu vực là: khả năng đáp ứng các loại rủi ro tuân thủ mới trong các kênh và sản phẩm; khả năng cung cấp giải pháp tuân thủ tích hợp đầu cuối; và cơ sở hạ tầng để cập nhật nhanh chóng với các thay đổi trong quy định.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, các ngân hàng đa quốc gia thiên về sử dụng hệ thống AML của các nhà cung cấp giải pháp, trong khi việc sử dụng hệ thống tự phát triển phổ biến hơn với các ngân hàng trong nước.

Động lực chính của chiến lược chống tội phạm tài chính

Một trong những chỉ số hàng đầu thúc đẩy sự thay đổi trong chiến lược chống tội phạm tài chính là trải nghiệm của khách hàng. Hơn 2/5 số người được hỏi xếp việc này là một trong những cân nhắc hàng đầu của họ với 17% các ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương xem đó là yếu tố chính đằng sau cách tiếp cận hiện tại và tương lai của họ.

"Chúng ta có thể thấy rằng việc giải quyết các nhu cầu cạnh tranh về tuân thủ quy định và trải nghiệm khách hàng vẫn là một hành động cân bằng đối với hầu hết các tổ chức. Các ngân hàng bị thách thức bởi sự cần thiết phải có thêm thông tin để đối phó với tỷ lệ cảnh báo cao từ các hệ thống không hiệu quả, trong khi không làm phiền khách hàng với các câu hỏi xác minh không ngừng", ông Timothy Choon nói.

Tiếp đến, các yếu tố cần cân nhắc xếp hạng thứ hai và thứ ba bởi các ngân hàng bao gồm, thiệt hại danh tiếng và tổn thất tài chính trực tiếp. Khi nói đến thách thức tội phạm tài chính, gần một nửa số ngân hàng được khảo sát đã nêu vấn đề tốc độ phản ứng với các mối đe dọa mới, trong khi một phần ba tin rằng đạt được khả năng phát hiện chính xác vẫn là một thử thách quan trọng.

Giải pháp tuân thủ toàn diện của FICO kết hợp các kỹ thuật máy học tiên tiến được thiết kế để giải quyết những thách thức này bằng cách cải thiện đáng kể độ chính xác của các cảnh báo thông qua các mô hình phân tích nâng cao được cấp bằng sáng chế như Phân cụm mềm và Điểm Nguy cơ có thể giúp các tổ chức tài chính vận hành AI trong các chiến lược tuân thủ hiện có của họ.

Khảo sát tuân thủ AML tích hợp của FICO được thực hiện vào tháng 5 năm 2020 bằng cách sử dụng một cuộc thăm dò định lượng trực tuyến của 256 giám đốc điều hành cấp cao từ các ngân hàng trên mười một quốc gia và vùng lãnh thổ được thực hiện bởi một công ty nghiên cứu độc lập thay mặt FICO. Các quốc gia được khảo sát là Australia, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ngân hàng Việt Nam sẽ đầu tư vào việc phòng chống tội phạm tài chính trong năm tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO