(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc và làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo, đặc biệt tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 26/8/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến "Giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo khu vực ĐBSCL". Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội lương thực thì thu mua lúa tại ĐBSCL đang là vấn đề nóng và thuộc trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lúa gạo, ngành Ngân hàng có vai trò cung ứng tín dụng để thúc đẩy thu mua lúa, gạo.
Thực tế những năm qua cho thấy, ngành lúa, gạo luôn được ngành Ngân hàng quan tâm và triển khai đồng đều từ cơ chế chính sách đến tổ chức triển khai thực hiện. Có rất nhiều cơ chế chính sách được ngành Ngân hàng ban hành cho ngành lúa gạo nói riêng, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung. Cũng theo Phó Thống đốc Thường trực tín dụng cho thu mua tạm trữ, chế biến, xuất khẩu của khu vực ĐBSCL được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội tại đây mà còn đảm bảo những nhiệm vụ quan trọng khác, nhiệm vụ chính trị của đất nước, đó là: An ninh lương thực.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu chủ trì Hội nghị |
Dư nợ ngành lúa gạo tăng 11,33% so với cuối năm 2020
Thực tế cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung; sản xuất, kinh doanh lúa gạo nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ và ngành Ngân hàng. Các chính sách tín dụng mà Chính phủ, NHNN ban hành trong thời gian qua cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, có thể kể đến như:
Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.
Các chương trình tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; Cho vay để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ (chính sách kết thúc giải ngân ngày 31/12/2020, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định để tiếp tục triển khai chính sách này);...
Hình ảnh trực tuyến tại các điểm cầu |
Về chính sách lãi suất, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bao gồm ngành lúa gạo) thấp hơn so với lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng (hiện nay là 4,5%/năm).
Ngành Ngân hàng cũng tổ chức nhiều Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã kịp thời thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền và khả năng tài chính để hỗ trợ cho một số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tăng hạn mức tín dụng, tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khả năng tài chính và tín nhiệm của khách hàng.
Tại hội nghị, đại diện các TCTD đều cho biết, không có vướng mắc về mặt chính sách đối với hoạt động cho vay đối với ngành lúa gạo. Các chính sách tín dụng mà Chính phủ, NHNN ban hành trong thời gian qua cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo.
Báo cáo chi tiết về kết quả đầu tư tín dụng đối với ngành lúa gạo, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt 144.657 tỷ đồng, tăng 11,33% so với cuối năm 2020. Trong đó theo mục đích vay vốn: dư nợ trồng, sản xuất lúa đạt 34.819 tỷ đồng, chiếm 24,07%; dư nợ phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo đạt 97.402 tỷ đồng, chiếm 67,33%, tăng 15,77% so với 2020; dư nợ chế biến, bảo quản lúa gạo đạt 12.435 tỷ đồng, chiếm 8,6%.
Riêng tại khu vực ĐBSCL, tính đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo tại ĐBSCL đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45%, chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Từ đầu năm 2021 tới nay, các TCTD tại ĐBSCL đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo, giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp.
TCTD kiến nghị nới room tín dụng, sửa nhanh Thông tư 03
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Ngân hàng Nhà nước, 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội |
Thống kê báo cáo từ các TCTD, NHNN cho biết, do nhiều tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp ngành lúa gạo gặp khó khăn trong việc thu hoạch, lưu thông, sản xuất - chế biến và xuất khẩu gạo, cụ thể: tình hình xuất khẩu gạo rất khó khăn vì không có nhiều đơn hàng; chuỗi sản xuất - cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy, hàng hóa tồn kho với số lượng lớn, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng...; doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” nên năng suất hoạt động bị giảm do thiếu hụt nguồn công nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng dịch....
Làm rõ thêm những khó khăn các TCTD đang gặp phải, phát biểu tại hội nghị, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết, kể từ đầu tháng 6 đến nay, các hoạt động của Agribank bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ 4, tín dụng tăng chậm lại và nợ xấu có xu hướng tăng lên. Đại dịch cũng khiến việc tiếp cận khách hàng gặp nhiều khó khăn. Tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, hoạt động của các ngân hàng đang rất khó khăn, việc cho vay và giải ngân không thực hiện được do các đơn vị công chứng cũng không hoạt động; toàn bộ hồ sơ, thủ tục miễn giảm lãi suất... đều làm online hay qua fax... đến khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì mới gặp được khách hàng để hoàn thiện hồ sơ.
Về tăng trưởng tín dụng, ông Thành cho biết, Agribank được giao tăng trưởng tín dụng ở mức 6,5% trong năm 2021 nhưng đến thời điểm này mới chỉ tăng được 1,6%. Tuy nhiên, với nhu cầu vốn cho nông nghiệp nông thôn đang tăng, nếu dịch bệnh được kiểm soát, Agribank sẽ kiến nghị xin thêm room tín dụng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, Agribank cũng kiến nghị đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, lãi suất cho vay, các cơ chế chính sách hiện nay cho vay thu mua lúa gạo không có vướng mắc lớn, các chi nhánh của BIDV cho biết đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, ngân hàng đang gặp khó khăn về tăng trưởng tín dụng, Cụ thể, tính đến nay, tăng trưởng tín dụng tại BIDV đạt 7,8% (được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp, nông thôn) trên room tín dụng được cấp mới là 9,5%. Với room còn lại rất thấp, ông Lâm cho biết, nếu nhu cầu vốn tăng lên, BIDV sẽ phải xin thêm room tín dụng.
Tại Sacombank, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn cho khu vực ĐBSCL, Sacombank đã chỉ đạo các chi nhánh không hạn chế cấp vốn, riêng cho vay thu mua lúa gạo các chi nhánh giải quyết tối đa nhu cầu của khách hàng. Đến nay, dư nợ cho vay trực tiếp thu mua lúa gạo tại ngân hàng đạt trên 12 nghìn tỷ đồng.
Về tăng trưởng tín dụng, ông Tuệ cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng tại Sacombank đạt hơn 6% trên room cho phép là 9%. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 trở lại đây tăng trưởng tín dụng không tăng được mà lại giảm, tính đến nay, tăng trưởng tín dụng chỉ còn hơn 5%. Mặc dù tăng trưởng tín dụng có chậm lại từ tháng 6 nhưng để đáp ứng đủ vốn cho các nhu cầu của khách hàng từ nay đến cuối năm, Sacombank có thể sẽ xin thêm room tín dụng. Bên cạnh đó, với các khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã phát sinh, do vậy, ông Tuệ cũng kiến nghị: "NHNN đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/2021/TT-NHNN".
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cũng cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, HDBank đang gặp khó khăn về room tín dụng. Trong năm 2021, HDBank được cấp room tín dụng là 10% nhưng đến nay đã tăng khoảng 9%. "Hiện tại HDBank đã phải kiểm soát giải ngân từng món để đảm bảo nguồn vốn đi vào những lĩnh vực ưu tiên. Đề nghị NHNN cấp thêm room tín dụng để ngân hàng đẩy mạnh cho vay thu mua lúa gạo trong thời gian tới", ông Thanh đề nghị. "Đề nghị NHNN nhanh chóng sửa đổi và ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp".
Cũng tại hội nghị, đại diện các TCTD đề nghị, NHNN có giải pháp tránh rủi ro cho các ngân hàng khi đẩy mạnh cho vay, đặc biệt cho vay thu mua lúa gạo trong bối cảnh đại dịch COVID-19. "Cho vay thu mua lúa gạo trong bối cảnh đại dịch, NHNN nên có cơ chế pháp lý tạo hành lang an toàn để sau này có rủi ro (đặc biệt rủi ro pháp lý) xảy ra cũng sẽ đảm bảo an toàn cho các TCTD", ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank kiến nghị.
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thu mua lúa gạo tại khu vực ĐBSCL, đại diện một số ngân hàng kiến nghị, NHNN và các cơ quan chức năng có giải pháp giúp doanh nghiệp giải quyết nhanh hàng tồn kho, tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - cung ứng, có các giải pháp giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí logistics... Các TCTD cũng cho biết, căn cứ báo cáo của các tỉnh vùng ĐBSCL, hiện nay không có kiến nghị liên quan đến vốn tín dụng mà chỉ có kiến nghị liên quan đến khâu lưu thông hàng hóa và kiểm soát giãn cách xã hội. Đồng thời, xây dựng những trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Tiếp tục mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho thu mua lúa gạo
Lúa gạo là ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, do vậy, ngành ngân hàng luôn quan tâm đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này, theo đó tốc độ tăng trưởng dư nợ 5 giai đoạn 2016-2020 ngành lúa gạo luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (bình quân/năm lúa gạo tăng 24%, nông nghiệp, nông thôn tăng 18,16%).
Nhận thức vai trò, ý nghĩa, đóng góp quan trọng của ngành lúa gạo với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, phát biểu kết luận, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Nghị định 55/2018/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Thứ hai, mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa. Tổ chức triển khai chỉ đạo của NHNN tại Công văn 5747/NHNN-TD ngày 10/8/2021, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay; thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm như kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo chỉ đạo của NHNN tại Công văn 5901, 5902/NHNN-TD ngày 16/8/2021.
Thứ tư, linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền.
Thứ năm, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng;
Thứ sáu, chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, thương nhân lúa gạo và thỏa thuận các nội dung liên quan theo nguyên tắc tín dụng thương mại, phù hợp quy định pháp luật về cấp tín dụng.
Thứ bảy, phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện để người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các chính sách, sản phẩm tín dụng ngân hàng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Trong phát biểu kết luận, Phó Thống đốc Thường trực cũng yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố bám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, kịp thời phát hiện những vướng mắc, khó khăn phát sinh trên địa bàn trong hoạt động của ngành lúa, gạo, làm đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương xử lý các vướng mắc, khó khăn của các ngân hàng thương mại.
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú giao các Vụ, Cục NHNN nghiên cứu, hướng dẫn, xử lý các kiến nghị của các tổ chức tín dụng về các vấn đề như: Tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu của ngành lúa, gạo; Khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, 03/2021/TT-NHNN; Tài sản bảo đảm khoản vay cho các khoản vay thu mua lúa, gạo; Kéo dài thời hạn vay vốn khi khách hành không trả trả nợ đúng hạn do thực hiện quy định về giãn cách, cách ly y tế trong thời gian có dịch bệnh COVID-19;…