Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng Tây Ninh nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

ThS. Trần Trọng Triết 03/09/2024 10:30

Thực hiện chỉ đạo và định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tiếp tục chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

cua-ngo-tay-ninh-va-tp-hcm-tai-suoi-sau..jpg
Tây Ninh nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của địa phương, thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh cho biết, toàn tỉnh hiện có 45 tổ chức tín dụng, bao gồm: 24 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 18 quỹ tín dụng nhân dân với tổng cộng 131 điểm hoạt động kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, quảng bá, chăm sóc khách hàng và triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp để thu hút tối đa lượng vốn nhàn rỗi trong dân cư.

Kết quả hoạt động huy động vốn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tính đến ngày 31/8/2024 đạt 68.400 tỷ đồng, tăng 3% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 2,4%); trong đó vốn huy động trên 12 tháng đạt 5.400 tỷ đồng, chiếm 7,9% tổng nguồn vốn huy động. Tiền gửi của khách hàng đạt 67.780 tỷ đồng, tăng 3,1% so đầu năm, chiếm 99,1% tổng nguồn vốn huy động.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh tạo ra hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu góp phần phát triển kinh tế. Kết quả đạt được trong 8 tháng năm 2024, tổng dư nợ cho vay đạt 103.300 tỷ đồng, tăng 5% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 7,8%). Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 77.394 tỷ đồng, tăng 5,9% so đầu năm, chiếm 74,9% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 25.906 tỷ đồng, tăng 2,6% so đầu năm, chiếm 25,1% tổng dư nợ.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh đạt 86.500 tỉ đồng, tăng 4% so đầu năm, chiếm 83,7% tổng dư nợ, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 28.100 tỷ đồng, tăng 0,8% so đầu năm với 1.250 doanh nghiệp; dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 16.800 tỷ đồng, tăng 10,9% so đầu năm và chiếm 16,3% tổng dư nợ.

Dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 16.200 tỷ đồng, tăng 2,8% so đầu năm, chiếm 15,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay công nghiệp - xây dựng đạt 23.500 tỷ đồng, chiếm 22,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay các ngành thương mại - dịch vụ đạt 63.600 tỷ đồng, tăng 7,9% so đầu năm, chiếm 61,6% tổng dư nợ.

Nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế đã hồi phục, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; đồng thời các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn nên dư nợ cho vay tăng trưởng tốt.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện nhiều giải pháp xử lý kéo giảm nợ xấu, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp. Đến cuối tháng 8/2024, nợ xấu chiếm 1,7% tổng dư nợ.

Về thực hiện cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn, gồm: Cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 5.465 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu đạt 800 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2.042 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đạt 60.200 tỷ đồng, tăng 6,5% so đầu năm và chiếm 58,3% tổng dư nợ.

Song hành với tín dụng thương mại, dư nợ tín dụng chính sách đạt 4.235 tỷ đồng, tăng 5,9% so đầu năm; nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,57% tổng dư nợ.

Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã triển khai quyết liệt và kết quả đến nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ 380 tỷ đồng cho 140 lượt khách hàng, trong đó dư nợ gốc là 353 tỷ đồng, dư nợ lãi là 27 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã tổ chức thực hiện công tác thanh toán theo đúng quy chế, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền điện tử trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo thanh toán thông suốt, chính xác, an toàn. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, nhiều tiện ích, dễ sử dụng để đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có nhiều giải pháp tăng cường nhằm hỗ trợ khách hàng thu thập sinh trắc học, tạo điều kiện phát triển hệ thống thanh toán bảo mật, an toàn, thuận tiện và thông suốt cho khách hàng trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Hệ thống ATM/POS của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định; hoạt động ốn định, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 239 ATM và 941 POS.

Chia sẻ về nhiệm vụ giải pháp đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm 2024, ông Nguyễn Xuân Hiền cho biết, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Tây Ninh.

Nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi cơ chế, chính sách để tập trung tháo gỡ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; kịp thời phản ánh, đề xuất, tham mưu chỉnh sửa cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025; các nhiệm vụ theo Đề án 06, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán.

Đồng thời, tiếp tục chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kịp thời cậc chương trình, chính sách tín dụng của ngành và kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp doanh nghiệp và người dân hiểu rõ và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thuận tiện và dễ dàng hơn cũng như tạo sự đồng thuận trong dư luận về hoạt động của ngành.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng Tây Ninh nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO