Ngành Ngân hàng tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế

ThS. Hoàng Thị Hường| 06/06/2019 16:25
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các số liệu và diễn biến của nền kinh tế đang cho thấy chất lượng sử dụng vốn vay ngày càng được nâng cao và hiệu quả hơn. Tuy nhiên để ngành Ngân hàng phát triển an toàn và bền vững hơn, đồng thời đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều việc cần giải quyết…   

Ngày nhận bài: 22/5/2019; Ngày biên tập: 22/5/2019; Ngày duyệt đăng: 24/5/2019.  Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 10 năm 2019

Tóm tắt: Bên hành lang kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, nhiều đại biểu đã đánh giá cao hoạt động của hệ thống ngân hàng trong nỗ lực tái cơ cấu và đóng góp tích cực cho nền kinh tế… Các số liệu và diễn biến của nền kinh tế đang cho thấy chất lượng sử dụng vốn vay ngày càng được nâng cao và hiệu quả hơn. Tuy nhiên để ngành Ngân hàng phát triển an toàn và bền vững hơn, đồng thời đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều việc cần giải quyết…   

Bài viết điểm lại một số nét nổi bật của hoạt động ngân hàng thời gian qua, những khó khăn cần tháo gỡ và một số đề xuất.

Từ khóa: ngành Ngân hàng, hệ thống ngân hàng, tín dụng

Banking sector continues to make active contribution in national economic growth

Abstract: Along the corridor of the 7 session of the 14th National Assembly, many Congressmen highly appreciated activities of banking system in an effort to self-restructuring and its active contribution to the economy… Data and developments of the economy show the effective usage of bank loans are improved. However, there are things to do to help banking sector develop safe and sound, more actively contributing to the economy.

The article reviews some outstanding activities of banking sectors in the past time, obstacles to be removed and recommends some measures.

Key words: banking sector, banking system, bank credit

Đóng góp ngày càng hiệu quả hơn

Theo báo cáo kinh tế xã hội năm 2018 của Chính phủ, tình hình kinh tế đã đạt được những kết quả rất khả quan. Việt Nam đã hoàn thành 12 chỉ tiêu trong đó có 9 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra và nền kinh tế đã duy trì tốc độ tăng trưởng 7,08%, tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2008 đến nay. Để đạt được kết quả này có thể nhận thấy sự đóng góp rất tích cực của hệ thống ngân hàng. Mặc dù dư nợ tín dụng của năm 2018 chỉ tăng 14%, thấp hơn năm 2017 (18%) nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao hơn. Điều đó có nghĩa là chất lượng trong sử dụng vốn đang ngày càng được nâng cao và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội, quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng cũng đạt được kết quả nhất định, từ đó nợ xấu nội bảng đã giảm xuống khoảng 2% và nợ xấu ngoại bảng cũng theo xu hướng giảm so với trước đây. Qua đó, tính an toàn trong hệ thống ngân hàng ngày càng tốt hơn và chi phí trong hoạt động ngân hàng theo hướng giảm. Những yếu tố này, giúp cho hệ thống ngân hàng có điều kiện để giảm được lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, cơ cấu lại các TCTD tiếp tục được triển khai tích cực và hiệu quả. Công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đặt trọng tâm vào thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, kiểm soát, xử lý và duy trì nợ xấu ở mức dưới 3%. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD xử lý được một bước; tập trung xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém theo nguyên tắc thị trường.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi đến Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 mới đây, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD.

Theo đó, NHNN đã điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt thông qua chào mua, bán giấy tờ có giá với khối lượng, kỳ hạn và lãi suất phù hợp. Nhờ đó, điều tiết lượng tiền trong nền kinh tế ở mức hợp lý, duy trì sự ổn định trên thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, NHNN cũng điều hành đồng bộ các công cụ khác như giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND và ngoại tệ; thực hiện tái cấp vốn đối với các TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ nguồn vốn giải quyết nợ xấu... góp phần kiểm soát tiền tệ, không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất thị trường.

Đồng thời, CSTT cũng được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất hợp lý; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành về điều hành CSTT, giá hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát, làm cơ sở để tính toán liều lượng, mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát chung, ổn định thanh khoản thị trường tiền tệ, ngoại tệ, giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước với kỳ hạn được kéo dài.

Kết quả là, lạm phát bình quân trong những năm qua luôn duy trì ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%). Lạm phát cơ bản cũng được duy trì tương đối ổn định ở mức thấp, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý (lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 là 1,48%, 4 tháng đầu năm 2019 là 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018). Tính đến cuối tháng 4/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,42% so với cuối năm trước (cùng kỳ tăng 5,89%).

Một trong những đóng góp rất tích cực khác của hệ thống ngân hàng là đã duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Trong bối cảnh ngày càng nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, NHNN đã chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp tạo điều kiện ổn định lãi suất của các TCTD; Chỉ đạo các TCTD cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các TCTD.

Từ đầu năm 2019 đến nay, nhằm tiếp tục góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ, cụ thể là: Giữ nguyên các mức lãi suất điều hành của NHNN; Giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6,5%/năm; Giữ nguyên lãi suất tối đa bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng. Hiện lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019, đồng tình với lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, các NHTM Nhà nước cũng đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra, NHNN cũng điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý và chủ động truyền thông; Bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường, bao gồm cả bán ngoại tệ kỳ hạn để định hướng kỳ vọng thị trường và hỗ trợ thanh khoản VND. Nhờ đó, tỷ giá tương đối ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ vẫn tương đối thuận lợi, thanh khoản thị trường diễn ra bình thường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua ròng được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát, NHNN đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2018, tín dụng tăng 13,89% so với cuối năm 2017; năm 2019 (tính đến ngày 29/4/2019), tín dụng tăng 4,44% so với cuối năm 2018.

Một số khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho nền kinh tế nhưng hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, đó là:

Việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng do quy định pháp luật đối với thị trường bất động sản (BĐS) còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình BĐS mới; Đầu tư kinh doanh BĐS là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường; Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu tại một số phân khúc BĐS…

Việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn vì đây là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài; năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế; tài sản bảo đảm (TSBĐ) chủ yếu là quyền thu phí trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định; nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu rất lớn... Việc cấp tín dụng đối lĩnh vực chứng khoán cũng tiềm ẩn rủi ro do thị trường chứng khoán Việt Nam còn hạn chế so với các thị trường phát triển, chuẩn mực kế toán và minh bạch thông tin còn khoảng cách so với quốc tế; khung pháp lý về hoạt động của thị trường chứng khoán chưa hoàn thiện, tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư cũng như an toàn vốn tín dụng.

Việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù còn gặp nhiều khó khăn như: nợ xấu chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá gia tăng (đến cuối năm 2018, nợ xấu chiếm 17%) một phần do người dân thiếu ý thức trả nợ vay, các ngân hàng chậm được Bộ Tài chính quyết toán số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg... Hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội và hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay quy định pháp luật còn bất cập, các cơ quan tư pháp khó quy kết hành vi cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM có vốn nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM có vốn Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này hết sức hạn chế. Do đó, cần có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó có thể giữ lại lợi nhuận của ngân hàng hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các NHTM có vốn nhà nước.

Tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước. Trong khi đó, việc cơ cấu lại các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ, ngành chủ quản. Đồng thời, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng.

Việc xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém cũng gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính. Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn TSBĐ cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Đối với những khó khăn trong triển khai Nghị quyết 42, mặc dù ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu... nhưng hiện nay, số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn rất hạn chế. Để đảm bảo triển khai tốt các quy định này, Tòa án Nhân dân tối cao cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp triển khai đầy đủ, thống nhất các quy định này trong thực tiễn xét xử. Tại một số địa phương, hoạt động thi hành án ngân hàng còn chưa thật sự hiệu quả, nhiều vụ việc thi hành án còn tồn đọng thời gian dài, phát sinh nhiều chi phí cho đơn vị xử lý nợ. Việc phát triển thị trường mua, bán nợ hiện vẫn còn gặp một số khó khăn…

Một số đề xuất

Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo sát sao quá trình triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt đối với các đề xuất của NHNN về phương án xử lý các TCTD yếu kém; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của các TCTD. Cụ thể:

Giao Bộ Tài chính nghiên cứu và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi hoặc ban hành một Nghị quyết mới của Quốc hội theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc); Trình Chính phủ sửa đổi phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải pháp về xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh; Có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế rõ ràng và cụ thể hơn để thực hiện đúng Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và nghĩa vụ nộp thuế; Xem xét, nghiên cứu, bổ sung trường hợp việc sang tên, đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu bất động sản liên quan đến việc xử lý nợ xấu của TCTD vào trường hợp tạm thời chưa thu thuế.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sớm có văn bản hướng dẫn đối với trường hợp nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là TSBĐ cho khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 42; Bên mua nợ là cá nhân được đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi nhận chính TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; Có văn bản chỉ đạo các văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 42 về chuyển nhượng TSBĐ của khoản nợ xấu là dự án bất động sản chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, không yêu cầu phải có điều kiện là sự đồng ý của Bên thế chấp; thực hiện thống nhất quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư liên tịch 09/2016/TT- BTP-BTNMT.

Giao Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ; có văn bản chỉ đạo các cơ quan thi hành án địa phương cần tập trung và quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm các vụ việc đang thi hành án...

Đối với Quốc hội, để đảm bảo Nghị quyết số 42 được triển khai có hiệu quả, Quốc hội cần xem xét, chỉ đạo: (1) Tòa án nhân dân tối cao sớm có văn bản gửi Toà án các địa phương yêu cầu các đơn vị này ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu. Có thể tiến hành xét xử điểm 1 vụ án theo thủ tục rút gọn, trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trong toàn hệ thống ngành Tòa án và bổ sung xây dựng cơ chế chính sách được hoàn chỉnh hơn; (2) Tòa án nhân dân tối cao xem xét, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các TSBĐ là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42; (3) Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các TCTD được tra cứu, trích xuất các thông tin liên quan từ hệ thống dữ liệu này.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, Quốc hội cần chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thống nhất thực thi các quy định pháp luật trong đấu tranh tội phạm liên quan tín dụng đen…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO